Thời gian gần đây, trong khi cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn có xu hướng "kìm hãm" thị trường, thậm chí ngay cả trong những phiên thị trường khởi sắc, các mã lớn này cũng chỉ đóng vai trò giữ nhịp. Trái lại, cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại đang thu hút được dòng tiền đầu cơ.
Cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đang thu hút được dòng tiền đầu cơ |
Lấy ví dụ trong phiên giao dịch ngày 12/5, các chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đều tiếp tục tăng 0,51%. Trong đó, nhóm bất động sản vẫn ngập tràn sắc xanh, đáng chú ý HBC và FCN đồng loạt tăng kịch trần.
Trước đó, trong phiên 11/5, VN-Index ghi nhận chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp do cổ phiếu lớn giao dịch chậm chạp, sắc đỏ lấn át tại rổ VN30, nhưng dòng tiền lớn vẫn tập trung vào các cổ phiếu nhỏ, đẩy những cổ phiếu như EVG, HQC, QCG, PTC, TLH, HAR, VPH... tăng trần.
Đặc biệt, giao dịch tại nhóm bất động sản khởi sắc hơn thị trường chung khi là nhóm hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất, chiếm áp đảo trong tốp dẫn đầu thanh khoản như DIG, DXG, GEX, NVL. Trong đó, DIG tăng trần với giá trị giao dịch cao nhất toàn sàn, hơn 718 tỷ đồng.
Đà tăng của nhiều cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu rục rịch từ trung tuần tháng 3 khi liên tiếp các thông tin hỗ trợ xuất hiện. Một số cái tên như DIG (+86%), DXG (+40%), CEO (+40%), HQC (+40%)… đã tăng mạnh trong chưa đầy 2 tháng, qua đó leo lên vùng giá cao nhất trong vòng hơn nửa năm trở lại đây.
Trước đó, hầu hết nhóm bất động sản đều trải qua giai đoạn trượt dốc kéo dài, không ít cổ phiếu đã “bốc hơi” đến 80% và rơi xuống vùng đáy dài hạn. Việc thị giá chiết khấu sâu cũng có thể là một phần nguyên nhân giúp nhóm cổ phiếu này dễ thu hút cầu bắt đáy nhập cuộc thời gian qua.
Ngoài vấn đề cung cầu, các doanh nghiệp bất động sản cũng được hỗ trợ bởi các chính sách ban hành thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành đã có những tác động giúp hạ nhiệt lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại. Điều này phần nào giúp giảm bớt gánh nặng lãi vay lên các doanh nghiệp nói chung và nhóm vay nợ lớn như bất động sản nói riêng.
Giới phân tích cho rằng, dòng tiền tổng thể trên thị trường giai đoạn hiện tại quá yếu, cho nên nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ, vốn có biên độ giá mạnh hơn, đồng nghĩa với cơ hội tăng giá cao hơn. Do tính thanh khoản cũng như vốn hóa, dòng tiền cần thiết để đẩy giá nhóm blue-chips rất tốn kém, trong khi cũng lượng tiền như vậy có thể tạo sóng mạnh mẽ đối với các mã nhỏ.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá, chỉ số VN-Index vẫn giao dịch dưới đường trung bình 50 tháng. Chỉ số đang trong giai đoạn sóng điều chỉnh và đã kết thúc giai đoạn giảm dài hạn. Dự báo thị trường có thể sẽ hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Tổng kết trong tháng 5, thị trường có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại của các chỉ số chính.
“Thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ hẹp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể vẫn sẽ ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn khó thu hút dòng tiền và cũng phân hóa”, Yuanta nhận định.
Dù vậy, ông Lê Chí Phúc, Giám đốc SGI Capital cho rằng, lượng trái phiếu gia tăng mạnh sẽ gây áp lực tới nhiều doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ giải chấp có thể xảy ra ở cổ phiếu bị đầu cơ quá mức hoặc nhóm cổ phiếu có cổ đông đang chịu áp lực giải chấp tài sản để trả nợ quá hạn.
Giám đốc SGI Capital chỉ rõ, tính tới tháng 3/2023, đã có 46 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi và gốc trái phiếu với ước tính trị giá khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Bắt đầu từ quý 2, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ gia tăng mạnh so với quý 1, tổng cộng khoảng 153 nghìn tỷ trong hai quý tới. Trong đó, quý 2 sẽ có gần 28 nghìn tỷ đáo hạn chỉ riêng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Cho dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế để các doanh nghiệp thoả thuận với nhà đầu tư, nhưng nếu không có dòng tiền chi trả thực, sức ép lên các thị trường tài sản vẫn sẽ tiếp tục do nhà đầu tư phải thay đổi phương án tài chính của mình, nếu không phải bán bớt các tài sản thanh khoản thì cũng không có nguồn tiền để đầu tư.
Trong khi đó, một năm qua, số dư tiền mặt trên tài khoản nhà đầu tư đã giảm 40% (từ hơn 100 nghìn tỷ về còn khoảng 58 nghìn tỷ) và khiến giao dịch suy giảm. Hệ quả là tỷ lệ margin/vốn hoá thị trường đã giảm từ 3,4% về mức 2,78%, vẫn ở mức hơi cao so với thông lệ quốc tế, và tỷ lệ margin/giá trị giao dịch bình quân tiệm cận mức cao của lịch sử.
Theo đó, để có thể đu “sóng” đầu cơ an toàn, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên có chiến lược phù hợp bởi thực tế đây thuần túy chỉ là thương vụ “ăn xổi”, chỉ quan tâm đến dòng tiền và bỏ qua các yếu tố cơ bản.
Ngoài ra, chỉ nên đánh tỷ trọng nhỏ, mua một lần, sai thì bỏ, lãi nhỏ cũng có thể chốt, tuyệt đối tránh hưng phấn. Với biên độ lên xuống quanh quẩn như hiện tại, "nay thắng mai lỗ" là bình thường và càng giao dịch nhiều càng dễ sai. Khi sai nhiều hơn đúng thì để giảm rủi ro, chỉ nên mạo hiểm với phần vốn nhỏ.
Góc chuyên gia: Không đáng ngại khi dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu midcap và penny Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch đầy khởi sắc, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện đáng kể, các ... |
Cổ phiếu bluechips sẽ theo chân nhóm midcap và smallcap, VN-Index có thể về đỉnh tháng 4 MBS cho rằng, với tín hiệu từ việc NHNN có thể giảm lãi suất điều hành, nhóm Vn30 cũng như nhóm cổ phiếu bluechips đang ... |
Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 15/5/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin gửi đến quý độc giả các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày ... |
Nhật Hải