Theo tài liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ESG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Environmental, Social and corporate Governance) chỉ nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty. Nếu xem xét thêm các yếu tố ESG trong hoạt động phân tích đầu tư thì nhà đầu tư có thể được cung cấp những lợi thế trong dài hạn để đưa ra các quyết định đầu tư. Do vậy, ESG đã dần trở thành một yếu tố quan trọng về phương pháp luận trong đầu tư nhằm chỉ ra các yếu tố bền vững có liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị công ty, như là một hình thức nhận biết các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh kiểu mới.
Hiện nay, nhiều công ty quản lý quỹ đã chú trọng đến các yếu tố ESG trong phân tích hoạt động và tiềm năng của doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những thông tin chi tiết về chất lượng công tác quản lý, văn hóa, các yếu tố rủi ro và các đặc điểm khác của doanh nghiệp.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, đầu tư ESG ở Việt Nam hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, song làn sóng này đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên thế giới và trong khu vực. Bất chấp tình hình khó khăn của năm 2022, các quỹ đầu tư ESG tại Singapore, Thailand và Indonesia, ghi nhận tài sản ròng tăng gấp đôi với với năm trước. VNDirect cho rằng dòng vốn này sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều, và tất nhiên, cơ hội định giá cao hơn sẽ lớn cho các doanh nghiệp đã triển khai thực thi ESG sớm.
Có thể kể đến là Vinamilk (mã VNM) khi doanh nghiệp này đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng các công trình đạt chuẩn ESG. Và suốt 5 năm qua, Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc Top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.
Một ví dụ khá điển hình về thực hành ESG là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ). Trong câu chuyện Social (S), PNJ đã cho ra đời chuỗi siêu thị 0 đồng giữa cao điểm tâm dịch COVID-19 và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Ở lĩnh vực môi trường, từ năm 2017, PNJ đã triển khai chương trình thu gom bụi vàng và tiết kiệm được hàng triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, những doanh nghiệp khác như Công ty CP FPT (Mã: FPT); Công ty CP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK); Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG); Công ty CP Gemadept (Mã: GMD) và Công ty CP Cơ Điện Lạnh (Mã: REE) cũng được đánh giá là những doanh nghiệp đã sớm thực hành ESG, và trở thành những cổ phiếu đáng chú ý trong xu hướng này.
Bên cạnh đó, những khoản tài chính có yếu tố ESG cũng đang được tích cực đẩy mạnh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và IFC mới đây đã ký kết hợp tác thúc đẩy tài chính xanh. Thỏa thuận hợp tác mới giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ góp phần vào nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường vốn để đối phó với biến đổi khí hậu thông qua tài chính xanh và tài chính bền vững.
Bà Kim See Lim, Giám đốc Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của IFC chia sẻ: “Xanh hóa thị trường vốn với trọng tâm là áp dụng các tiêu chuẩn ESG phải là một ưu tiên khi Việt Nam tập trung huy động đầu tư tư nhân, để đạt được mục tiêu kép là trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Nguyên Nam