Đảm bảo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội kịp thời, thuận tiện nhất Nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân: Người cao tuổi khó tiếp cận |
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu đem lại những gì tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến những lợi ích của việc nhận chế độ qua tài khoản với tinh thần để người tham gia, thụ hưởng tự nguyện tham gia.
Đến ngày 31/12/2023, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua việc chi trả không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 64% (vượt 4%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch Thủ tướng giao). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không ít người thụ hưởng do tuổi cao nên gặp trở ngại trong tiếp cận về công nghệ, khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh. Vì vậy, xuất hiện một số nhu cầu nhận hộ lương hưu, trợ cấp xã hội nhằm gỡ khó cho người cao tuổi thụ hưởng chính sách.
Ngành bảo hiểm xã hội triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh: MH |
Tại buổi giao lưu "Tiện ích trong giao dịch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp", ngày 16/7, một người dân đến từ Hà Nội nêu ý kiến rằng, do bố mẹ đã hơn 70 tuổi nên việc làm thẻ ngân hàng, nhận tiền lương hưu qua thẻ ATM không thuận lợi, vì vậy họ có thể nhận lương hưu hộ bố mẹ qua tài khoản cá nhân của mình được không và thủ tục như thế nào?
Thông tin về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết, căn cứ khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hàng tháng. Theo đó, căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, người dân cần thực hiện các bước thủ tục để ủy quyền lĩnh lương hưu như sau:
Giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH) hoặc Hợp đồng ủy quyền nhận thay lương hưu theo quy định pháp luật điền đầy đủ thông tin theo mẫu. Nội dung ủy quyền ghi rõ: Nhận thay lương hưu; thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm (trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền).
Giấy ủy quyền phải được UBND cấp xã, hoặc phòng công chứng nơi người hưởng đang cư trú chứng thực chữ ký của người ủy quyền. Hồ sơ kèm theo chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền nhận lương hưu.
Hồ sơ gửi về cơ quan BHXH cấp huyện/tỉnh, hoặc Bưu điện - nơi được cơ quan bảo hiểm xã hội ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và quản lý người hưởng.
Ngoài ra, đối với thủ tục nhận lương hưu do ủy quyền từ người thân đã định cư nước ngoài, bà Lê Thị Ngọc Nghĩa cho biết, người lao động cũng có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hàng tháng.
Theo đó, căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bạn cần thực hiện các bước thủ tục để ủy quyền lĩnh lương hưu như sau:
Giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH) hoặc hợp đồng ủy quyền nhận thay lương hưu theo quy định pháp luật điền đầy đủ thông tin theo mẫu.
Nội dung ủy quyền ghi rõ: Nhận thay lương hưu; thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm (trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền).
Giấy ủy quyền phải được UBND cấp xã, hoặc phòng công chứng, Đại sứ quán Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hoặc của chính quyền địa phương của nước ngoài nơi người hưởng đang cư trú chứng thực chữ ký của người ủy quyền.
Hồ sơ kèm theo chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền nhận lương hưu. Đồng thời, gửi hồ về cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện/tỉnh, hoặc bưu điện - nơi được cơ quan bảo hiểm xã hội ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và quản lý người hưởng.
Bà Lê Thị Ngọc Nghĩa cho biết thêm, hiện nhằm tạo thuận lợi nhất, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Theo đó, cùng với việc khuyến khích chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt đối với người hưởng có nhu cầu.
"Đối với những người già, đối tượng khó khăn ở vùng chưa đủ điều kiện chi trả qua tài khoản hoặc ốm đau lâu dài, bảo hiểm xã hội vẫn sẽ chi trả tại các điểm chi trả và nơi cư trú. Việc thực hiện chi trả bằng phương thức nào là do người hưởng lựa chọn"- bà Lê Thị Ngọc Nghĩa cho hay.
Một thông tin đáng chú ý, theo bà Lê Thị Ngọc Nghĩa, tại địa bàn Thành phố Hà Nội, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi mở tài khoản tại ngân hàng được miễn phí một số chính sách, đó là: Miễn phí khi mở tài khoản; miễn phí quản lý tài khoản; miễn phí phát hành thẻ, quản lý thẻ và rút tiền tại ATM; miễn phí chuyển tiền trong cùng hệ thống…