Sản phẩm du lịch Việt Nam thu hút sự chú ý tại WTM 2018 Sản phẩm du lịch phải có được bản sắc văn hóa truyền thống |
"Ngóng" tháo điểm nghẽn visa
Tháng 3/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 895,4 nghìn lượt, giảm 4% so với tháng trước. Thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng tích cực, tăng 26% so với tháng trước.
Tính chung quý I, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách nội địa tháng 3/2023 đạt 7,5 triệu lượt, trong đó có 5,0 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong quý I đạt 27,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong quý I ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.
Về thị trường khách, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2023 với 811 nghìn lượt, tiếp theo là Mỹ (207 nghìn lượt khách du lịch). Thái Lan xếp thứ 3 (145 nghìn lượt khách du lịch). Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ 4 (140 nghìn lượt khách du lịch).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau đại dịch Covid-19 còn khiêm tốn |
Mặc dù con số trên được ngành du lịch nhìn nhận là tín hiệu tích cực, tuy nhiên từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành cho rằng, dù du lịch Việt Nam mở cửa trước nhưng đến nay vẫn phát triển chậm, lượng khách du lịch quốc tế chưa được như nhiều nước trong khu vực. Thậm chí ngành du lịch đang loay hoay để có thể cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế so với các nước trong khu vực.
Về nguyên nhân, điểm nghẽn hiện nay nhiều ý kiến cho rằng do chính sách visa còn nhiều bất cập. Bởi hiện nay, Việt Nam miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.
Theo ông Võ Trí Thành, việc tạo thuận lợi để du khách đến và đi là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, với chính sách visa hiện nay thì đây chính là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ. Ông Phạm Hà - CEO Tập đoàn Lux Group cũng cho rằng miễn thị thực đơn phương phải là “át chủ bài” hút khách quốc tế, nhất là các thị trường có sức chi trả cao đến Việt Nam.
Đơn cử, theo ông Phạm Hà, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, miễn visa như họ hoặc mở rộng hơn họ nếu muốn cạnh tranh hơn. Cụ thể, tiến tới mở rộng diện miễn visa các thị trường mục tiêu châu Âu, Úc, New Zeland, Bắc Mỹ và châu Á như Ấn Độ.
Chia sẻ thêm về câu chuyện visa, ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói: Chính sách visa là điều kiện cần và điều kiện đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu được mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách tại Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà kinh doanh du lịch phát triển một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.
"Hiện nay, việc nới chính sách visa là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta, bởi sự cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt"- ông Thuỷ nhấn mạnh.
Cân bằng du lịch đại trà và chi tiêu cao
Bên cạnh yếu tố visa, theo ông Võ Trí Thành, để tăng sức hút với du khách, ngành du lịch cần xây dựng được những sản phẩm đáp ứng xu hướng du lịch của du khách. Với Việt Nam, dư địa cho sự sáng tạo về sản phẩm du lịch chính là nền tảng văn hoá, di sản, thiên nhiên phong phú. Đồng thời cần đổi mới cách thức quảng bá, xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam để tăng sự nhận diện.
Vị chuyên gia này khuyến nghị thêm, ngành du lịch cần phải cân bằng được hai xu hướng phát triển du lịch bao trùm, du lịch đại trà, hợp túi túi tiền với một bên là du lịch chất lượng, chi tiêu cao. Ngoài ra, hiện Việt Nam đang tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn, đi cùng đó là đội ngũ chuyên gia, lao động có chuyên môn, có điều kiện vì thế cần tăng chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch để tận dụng, khai thác dòng khách tiềm năng này.
Ông Phạm Văn Thuỷ cũng chia sẻ, để tăng được mức chi tiêu của khách đến với Việt Nam, chính là mục tiêu để chúng ta thu hút thêm ngoại tệ, từ đó giảm lạm phát trong nước và có dự trữ ngoại tệ và tăng ngân sách cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, cần phải làm mới các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách cần chứ không phải cung cấp sản phẩm du lịch hiện có.
Mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ V vào tháng 5 tới đối với 3 nội dung: Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Như vậy, du khách có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Nếu các khó khăn của ngành sớm được tháo gỡ, trong đó có vấn đề visa, theo ông Võ Trí Thành, đây là thuận lợi lớn để ngành du lịch phát triển bứt phá sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Phạm Văn Thuỷ cũng kỳ vọng, từ kết quả đón khách du lịch 3 tháng đầu năm nay và chuẩn bị bước vào mùa du lịch với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn thì việc đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 chắc chắn khả thi.
Bảo Thoa