Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (UPCoM: VGT) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu đạt 4.161 tỷ đồng - giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021 (liên tục giảm trong 4 quý gần nhất). Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng mạnh hơn năm ngoái khiến biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh từ 13,9% về còn 4,7% - tương ứng lãi gộp giảm 71% về còn 194 tỷ.
Trong kỳ, VGT ghi nhận 245,6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính - tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ và khoản lãi 191 tỷ đồng từ công ty liên kết.
Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng mạnh - gấp hơn 3 lần (đạt 192 tỷ) đồng thời chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn neo ở mức cao với lần lượt 143 tỷ và 252 tỷ đồng.
Sau khi trừ khoản lỗ khác gần 20 tỷ đồng và trừ các khoản thuế phí, Vinatex báo lỗ ròng 5,2 tỷ trong quý IV/2022. Đáng nói, đây là quý lỗ đầu tiên của công ty kể từ khi cổ phần hóa năm 2015.
Vinatex lý giải kết quả thua lỗ kể trên là do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.
Việc trích lập dự phòng trên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả quý IV/2022, nhất là khi sản lượng tiêu thụ cao, giá bán tốt do nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thương mại và dịch bệnh. Tuy vậy, lũy kế cả năm 2022, Vinatex vẫn có lãi hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, nhờ khoản lãi lớn trong nửa đầu năm.
Thống kê cho thấy, năm 2022, thị giá cổ phiếu toàn ngành dệt may đã giảm 41%, thấp hơn 10,3% so với đà giảm của chỉ số VN-Index.
Sang năm 2023, giới phân tích nhìn nhận, áp lực lạm phát sẽ là yếu tố chủ yếu tiếp tục tạo thách thức đối với thị trường dệt may.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45~47 tỷ USD (tăng 7~11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý IV/2022 và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi; đồng thời, doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Cho nên, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn.
Đánh giá về cổ phiếu ngành dệt may, SSI Research cho rằng, định giá có thể giảm xuống mức P/E thấp nhất trong lịch sử của ngành, ở mức khoảng 4~5x như trong giai đoạn 2010~2012, cũng do suy thoái kinh tế toàn cầu cho đến quý III/2023. Vì lợi nhuận của hầu hết các công ty đã đạt đỉnh trong quý III/2022 (về giá trị tuyệt đối), dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong quý III/2023 và định giá sẽ dần phục hồi về mức P/E trung bình lịch sử của ngành là 8 lần, vì các dấu hiệu phục hồi sẽ xuất hiện từ quý IV/2023.
"Trong 10 năm qua, các cổ phiếu dệt may được giao dịch ở mức P/E trung bình là 8x. Năm nay, toàn bộ ngành đã bị giảm định giá từ 14x vào đầu năm xuống 6x sau khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận không khả quan trong năm 2022 cũng như triển vọng tiếp tục tiêu cực cho năm 2023. Mức định giá thấp nhất trong lịch sử của ngành ở mức 5x trong giai đoạn 2010~2011 và 2020, điều này chỉ ra rằng định giá cổ phiếu của ngành có thể giảm hơn nữa trong thời gian tới, thời điểm mà các công ty dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm vào năm 2023", SSI Research chỉ rõ.
Anh Khôi