Việc tỷ giá liên tục tăng cao khiến tâm lý nhà đầu tư ngoại lo ngại đồng VND yếu đi được cho là một trong những yếu tố quan trọng khiến dòng vốn này vẫn còn "e dè" thời gian gần đây. Bởi thực tế, sau cuộc họp của Fed, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo gây chú ý về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm, nhằm mục đích giảm áp lực đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra lo ngại đây là tín hiệu về chính sách tiền tệ trong nước đổi chiều trước áp lực tỷ giá.
Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào động thái chính sách của FED. Nếu FED tăng lãi suất sẽ làm Ngân hàng Nhà chần chừ trong việc tiếp tục giảm lãi suất vì việc giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối và thúc đẩy các nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tích cực hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đến thời điểm hiện tại, yếu tố vĩ mô Việt Nam không quá xấu. Tức là khó có một yếu tố quá tiêu cực nào để thị trường phải lo ngại khối ngoại sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt và tìm đến một thị trường khác, hoặc tìm đến một kênh đầu tư khác. Khi tình hình tỷ giá ổn định trở lại, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng.
“Khối ngoại có thể quay lại mua ròng trong tháng 11, còn sang tháng 12 có bán ròng hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách lãi suất tiếp theo của Fed”, ông Minh dự báo.
Đáng chú ý, với việc HoSE chuẩn bị tích hợp hệ thống KRX, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng rộng mở. Theo kế hoạch của Nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức đợt kiểm thử cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Động thái này được giới chuyên gia nhận định là tín hiệu vô cùng tích cực, với kỳ vọng thanh khoản có thể lên tới 4 tỷ USD/phiên.
Không chỉ vậy, việc giảm thiểu lỗi giao dịch và nâng cao hiệu suất sẽ góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường từ "cận biên" lên "mới nổi".
Theo SSI Research, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số FTSE Secondary Emerging Markets Index, vì vậy các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.
“Với mức ước tính trung bình vào khoảng 1% - tổng giá trị vào ròng thông qua việc FTSE nâng hạng có thể lên đến gần 1 tỷ USD. Con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi”, SSI Research nhận xét.
Theo đó, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt khi được nâng hạng sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi Việt Nam được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn khối ngoại mang tính dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD”, World Bank ước tính.
Toàn cảnh thị trường chứng khoán tuần từ 25-29/9/2023: Cạn cung vùng đáy? Trong tuần qua, VN-Index đã có thời điểm thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.150 điểm và thậm chí đe dọa tới xu hướng uptrend ... |
Nhận định chứng khoán tuần 2-6/10: Cân nhắc lướt sóng T+ với tỷ trọng nhỏ Lực cầu xuất hiện thưa thớt cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng trước diễn biến rung lắc mạnh của thị trường ... |
Giám đốc phân tích MSVN: VN-Index có thể lên 2.300 - 2.500 điểm nếu TTCK được nâng hạng Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm ... |
Linh Đan (t/h)