Ngày 14/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Thái Học (41 tuổi, trú tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku) và Đàm Viết Hoàng (40 tuổi, trú tại xã Chư Á, TP. Pleiku, Gia Lai) để điều tra về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả là thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Xưởng pha chế thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ do Học điều hành. Ảnh: Công an cung cấp |
Trước đó, các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai “đột kích” 4 kho xưởng của Học trên địa bàn các xã Chư Á, xã An Phú và phường Chi Lăng, TP. Pleiku, phát hiện có hơn 4.800 hũ thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu với nhiều nhãn hiệu và 11 máy phục vụ sản xuất, đóng gói; 107 bao nguyên liệu có trọng lượng hơn 2,6 tấn.
Khi đóng gói xong, Học móc nối với một số đối tượng trong và ngoài tỉnh Gia Lai đăng bán trên các trang mạng xã hội và thuê người đến các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để chào mời, bán sỉ.
Đối tượng Học khai nhận, mặc dù biết làm giả các sản phẩm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là vi phạm pháp luật, nhưng vì ham lợi nhuận nhằm trục lợi cá nhân nên đối tượng bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng Học cũng khai, đã chủ động liên lạc với các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để mua nguyên liệu, in nhãn mác vận chuyển về TP. Pleiku rồi thuê người pha trộn, đóng hũ, dán nhãn mác để tiêu thụ.
Nghi phạm Nguyễn Thái Học tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Trong đường dây này, Hoàng có nhiệm vụ pha trộn nguyên liệu, đóng vào hũ và dán nhãn sản phẩm. Sau đó, đóng vào các thùng, theo số lượng mà Học định sẵn. Cứ đóng 1 lô hàng số lượng 2.000 hũ, Hoàng sẽ được trả công 10 triệu đồng.
Quá trình điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai đã xác định đối tượng Hoàng đã pha trộn, đóng gói được 20.000 hũ thuốc diệt cỏ giả và thuốc trừ sâu giả.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai, các đối tượng tổ chức sản xuất, làm giả rất tinh vi; chúng lựa chọn những khu vực ít người qua lại để thuê kho, tổ chức pha chế. Quá trình vận chuyển, tiêu thụ bằng cách bán trên các trang mạng xã hội; móc nối với các đối tượng vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để bán và tiêu thụ trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên.