Công trường đê sông Mã: Nơi lịch sử hóa tượng đài

04/04/2025 - 10:06
(Bankviet.com) Công trường đê sông Mã (Thanh Hóa), nơi 64 người đã anh dũng hy sinh vào năm 1972, lịch sử hào hùng nơi đây đã hóa thành tượng đài, trường tồn với thời gian.
Khi hiện vật 'kể chuyện' về vùng đất Hàm Rồng lịch sử Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Bà Triệu năm 2025

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàm Rồng - sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xem là “yết hầu” giao thông và trở thành mục tiêu tấn công của không quân Hoa Kỳ.

Vào mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, trong khi đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê gây ngập lụt rất cao. Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng, chống lũ lụt, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.

khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Nơi đây, 64 người đã anh dũng hy sinh khi bị máy bay Mỹ ném bom

Thời khắc định mệnh, khoảng 9 giờ 10 phút ngày 14/6/1972, tại vị trí đắp đê sông Mã cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km, lực lượng có mặt tại công trường gần 2.000 người đang lao động thì máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện, ném bom tới tấp, biến công trường thành chiến trường.

64 thầy giáo, cô giáo các anh, các chị học sinh của Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 và dân công Thanh Hóa đã ngã xuống. Đó là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi mang trong mình một bầu nhiệt huyết, những hoài bão, ước mơ còn dang dở, chưa thực hiện được.

Nhằm tôn vinh, tri ân các giáo viên, học sinh, dân công đã hy sinh ngày 14/6/1972 trên công trường đắp đê sông Mã, năm 2024, công trình Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đê sông Mã đã được khởi công xây dựng.

Cũng hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (4/1965 - 4/2025), tỉnh Thanh Hóa vừa khánh thành khu tưởng niệm trên tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Khu tưởng niệm có tổng diện tích khoảng 2,05 ha, gồm 2 khu vực chính. Khu vực trong đê có diện tích 11.230 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh, nhà quản lý đón tiếp khách, khu tưởng niệm nữ sinh (hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh, cây xanh...), khu tái hiện lịch sử, khu trồng cây lưu niệm, giao thông đối ngoại.

khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Lịch sử hào hùng đã hóa thành tượng đài, mãi trường tồn với thời gian

Khu vực ngoại đê có diện tích 9.270 m2, gồm các hạng mục: Tượng đài được điêu khắc bằng đá granite tự nhiên, thể hiện 7 nhân vật với các tư thế khác nhau của thầy cô và học sinh trong diễn biến của quá trình đắp đê trong cuộc không kích của Mỹ ngày 14/6/1972 và các hình ảnh tái hiện quân dân Nam Ngạn hiệp đồng chiến đấu, cứu chữa thương binh; Khu tượng đài nữ sinh, bến thuyền thả hoa đăng, miếu thờ, bia ghi dấu sự kiện lịch sử, khu tái hiện không gian làng Nam Ngạn truyền thống...

Khu tưởng niệm được khánh thành và đi vào hoạt động sẽ gắn kết với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, trận địa pháo cao xạ C4, đồi “Quyết Thắng”, tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, tượng đài Nam Ngạn chiến thắng, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ...

Một số hình ảnh tại Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đê sông Mã:

khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Khu tưởng niệm được khánh thành cũng nhằm hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Điểm nhấn của khu tưởng niệm là tượng đài được điêu khắc bằng đá granite tự nhiên, thể hiện 7 nhân vật với các tư thế khác nhau trong diễn biến của quá trình đắp đê, cứu chữa thương binh trên sông Mã năm xưa
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Bên cạnh tượng đài còn có bến thuyền thả hoa đăng, miếu thờ, bia ghi dấu sự kiện lịch sử, khu tái hiện không gian làng Nam Ngạn truyền thống
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Phía trong đê là loạt công trình như Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh, khu tái hiện lịch sử,...
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Thế hệ mai sau sẽ mãi ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của những liệt sỹ khi tuổi còn đôi mươi với những ước mơ còn dang dở
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những kỷ vật đang được lưu giữ tại khu tưởng niệm
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Những đồ vật tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gắn với một lịch sử hào hùng của dân tộc
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Kỷ vật còn lưu giữ được của 64 thầy giáo, cô giáo các anh, các chị học sinh của Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 và dân công Thanh Hóa đã ngã xuống
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Từ chiếc xe đạp, đôi quang gánh
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Đến những bút tích được lưu giữ lại liên quan đến công trường đê sông Mã từ những năm 1972
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Khi du khách đến đây, ai cũng muốn lưu giữ lại những ký ức, tư liệu về lịch sử Hàm Rồng - sông Mã
khu tưởng niệm công trường đê sông mã hàm rồng thanh hóa
Khu tưởng niệm cũng sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đối với thế hệ trẻ
Khi đến với Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đê sông Mã, nhân dân và du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về công trình kiến trúc và mỹ thuật độc đáo, tái hiện một cách sinh động những sự kiện bi thương ngày 14/6/1972. Đây cũng là điểm di tích lịch sử có giá trị rất lớn trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, trân trọng giữ gìn nền hòa bình độc lập hôm nay và mai sau.

Quốc Huy

Theo: Báo Công Thương