Hội nhập ATIGA, thách thức đối với ngành mía đường Việt Nam là trình độ canh tác mía còn lạc hậu, giá thành sản xuất đường cao, năng lực canh tranh yếu kém. Không có con đường nào khác, doanh nghiệp mía đường Việt Nam phải tái cơ cấu một cách triệt để từ khâu nguyên liệu, chế biến, đến phân phối lưu thông, theo hướng giảm chi phí, hạ giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh.
TTC đã đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp công suất các nhà máy đường |
Ông Phạm Hồng Dương cho rằng, không có gì tốt và bền vững bằng doanh nghiệp chủ động cải tiến, nâng cao năng lực của chính mình. Từ nhận thức đó, cách đây 3 năm, TTC đã đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp công suất các nhà máy đường nhỏ từ 2.000 - 3.000 tấn mía/ngày lên 6.000 tấn mía/ngày để tận dụng lợi thế quy mô, tiết giảm chi phí... Song song đó, TTC đã đa dạng hóa sản phẩm từ đường, ngoài sản xuất đường tinh luyện cao cấp, TTC còn sản xuất đường phèn, đường organic… đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tất cả các phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất đều được tận dụng nhằm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất mía đường. Ví dụ như bã mía đã được sử dụng vào việc đồng phát nhiệt - điện phục vụ cho sản xuất đường; bã bùn được tận dụng để sản xuất phân bón vi sinh…
Đồng thời, TTC đã chú trọng cải tiến khâu sản xuất nguyên liệu. Tại Gia Lai, TTC đã cùng với 150 hộ nông dân dồn điền, đổi thửa để sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa sản xuất, nhờ vậy năng suất mía từ 60-65 tấn/ha đã tăng lên 75-80 tấn/ha. Tại Phan Giang, TTC cũng đã áp dụng mô hình tương tự, hướng dẫn cho nông dân trồng mía organic để gia tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp.
Tại Nông trường Thành Long (xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh) thuộc sở hữu của TTC Biên Hòa, với vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 1.000 ha, quy trình canh tác mía từ làm đất, trồng, chăm sóc, tưới mía… đến thu hoạch 100% đã cơ giới hóa. Bà Nguyễn Thị Bách Chi - Trợ lý Chủ tịch Công ty TNHH Hải Vi - Nông trường Thành Long - cho biết, năng suất mía đã tăng khoảng 20-30% so với sản xuất truyền thống. Đối với khâu phân phối lưu thông, TTC đã chú trọng cải vào việc cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất công nghiệp sử dụng đường đầu vào với dịch vụ, chất lượng cao nhất, giá cạnh tranh. Đồng thời, phát triển khâu bán lẻ, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng bằng các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, bao bì và khối lượng.
Với sự chuẩn bị về năng lực nội tại, cùng với các chính sách của Chính phủ trong việc mở cửa thị trường một cách thông minh, xét trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và sòng phẳng, ông Phạm Hồng Dương tự tin khẳng định: Mía đường của TTC nói chung và của TTC Biên Hòa nói riêng, có đủ năng lực để hội nhập, cạnh tranh phát triển cùng khu vực.
Theo cam kết tại ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho lùi thời hạn thực thi này 2 năm để doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian chuẩn bị. Cam kết này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. |
Lan Ngọc