Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII |
Mới đây, ngày 24/10, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã thông tin về việc nâng tỷ lệ sở hữu tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, công ty con do doanh nghiệp này nắm giữ 54,78% vốn điều lệ là Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) đã được cơ quan Nhà nước chấp thuận cho nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm 30/6/2023, CII B&R nắm giữ 50% vốn của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, còn CII có khoản giá trị gốc đầu tư tại công ty BOT này là 831 tỷ đồng.
Về BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, doanh nghiệp này được thành lập ngày 21/4/2015 với số vốn điều lệ gần 1.543 tỷ đồng, là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo CII, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng, cao nhất trong danh mục hiện hữu của doanh nghiệp này.
Được biết, dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính 6,3% và lộ trình giá vé như quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án khoảng 32.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến là 51,5km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi kết hợp với cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành một tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.
Việc CII tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu tại BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần trong kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp này. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 19/10 vừa qua, ban lãnh đạo CII cho biết, định hướng đầu tư giai đoạn 2024 – 2030 của doanh nghiệp này vẫn là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo đó, định hướng này được CII đưa ra dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, đó là việc Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Doanh nghiệp này đánh giá, đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP.
Thứ hai là Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Trước đây, Thành phố chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn và huy động vốn cho dự án. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã cho phép TP Hồ Chí Minh đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn kể trên.
Trên những cơ sở đó, ĐHĐCĐ CII đã thông qua kế hoạch đầu tư 6 dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư lên tới gần 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22.000 tỷ đồng.
CII lên kế hoạch đầu tư “mạnh tay” 40.000 tỷ đồng vào dự án PPP Dù tổng cộng tài sản có phần giảm sút so với đầu năm, CII vẫn “mạnh tay” chi tiền cho dự án lớn PPP với ... |
Tham vọng của CII: Muốn đầu tư 6 dự án tổng quy mô 75.000 tỷ đồng, lấn sân sang địa hạt y tế Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với ... |
Xây dựng hạ tầng CII muốn mua thêm 4,2 triệu cổ phiếu NBB Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII muốn mua vào 4,2 triệu cổ phiếu NBB của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy, ... |
Hà Lê