Doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản “bắt tay” phát triển công nghiệp hỗ trợ Thu hút FDI và câu chuyện “đất lành, chim đậu” |
Đã có doanh nghiệp nhận được chứng chỉ IATF 16949
“Đã có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội nhận được chứng chỉ từ Hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949 (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia”, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) - chia sẻ những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp ngành nghiệp hỗ trợ Hà Nội tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng quý I/2024 của Hansiba vào ngày 14/3.
Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công Ty Cổ Phần Phụ Tùng Máy Số 1 (FUTU 1) |
Theo ông Nguyễn Hoàng, nếu như trước đây, các doanh nghiệp trong ngành phải nhờ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hội viên ngành hàng không thuộc Hiệp hội Kobe Aero Network (KAN) (Nhật Bản) ủy thác chứng chỉ để sản xuất và cung ứng vào chuỗi toàn cầu, thì việc một số doanh nghiệp trong ngành được cấp chứng chỉ này là tín hiệu cực kỳ quan trọng, đồng thời, tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhận được chứng chỉ này.
Một tin vui khác cũng được ông Nguyễn Hoàng thông tin, đó là từ nay đến tháng 9/2024 sẽ liên tục khởi công nhà máy tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau khi đi vào hoạt động, các sản phẩm được sản xuất tại đây sẽ lên tới hàng triệu USD mỗi năm, đều là những sản phẩm công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao cũng như nhiều cơ hội xuất khẩu.
Tuy nhiên, bức tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội vẫn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự nhận ra thị phần bỏ ngỏ rất lớn và đầy tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, khó khăn còn đến từ quy mô doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ, nên thiếu năng lực tài chính cũng như trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.
Mặc dù định hướng và tầm nhìn trong các chủ trương chính sách vĩ mô của Nhà nước là đúng đắn nhưng việc ban hành cơ chế chính sách để các chủ trương đi được vào đời sống doanh nghiệp lại chưa kịp thời. Đặc biệt là các cơ quan thực thi chính sách của Nhà nước còn lúng túng khi hướng dẫn hỗ trợ, đơn cử như quy định về chứng nhận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất phức tạp, đến nay có rất ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được chứng nhận để được nhận ưu đãi từ Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ.
Sẽ tiếp tục củng cố về ‘chất’
Năm 2024, các doanh nghiệp nói chung và trong ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng được nhận định sẽ vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn lao động, tài chính, làm đứt gãy chuỗi cung ứng,… và chỉ có các doanh nghiệp mới biết rõ mình cần làm gì, cần những điểm tựa gì, hợp tác như thế nào với các đối tác để có thể tham gia chuỗi sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường ngay tại trong nước mà còn là thị trường toàn cầu.
Hội nghị Ban chấp hành mở rộng quý I/2024 của Hansiba vào ngày 14/3 |
Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, để đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng cho biết, Hansiba sẽ tiếp tục ủng cố về ‘chất’ của doanh nghiệp Hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam và sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ ASEAN và toàn cầu. Trong đó, sẽ tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh…
Bên cạnh đó, sẽ kết nối đầu vào – đầu ra, gói vay tài chính ưu đãi từ Chính phủ - từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hỗ trợ về đào tạo lao động kỹ thuật cao, xuất nhập khẩu máy móc cũ, ủy thác chất lượng sản xuất.
Tiếp tục đồng hành phát triển khu công nghiệp Hanssip kể cả các giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp Hội viên nội địa và các doanh nghiệp FDI có mặt bằng đất đai và nhà xưởng vào tham gia đầu tư sản xuất.
Để tạo môi trường và 'nâng đỡ' các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào sân chơi khu vực và thế giới, về phía các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Trong khi chờ Luật ban hành thì đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết về cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 -10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển, từ đó hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô – điện tử – công nghiệp đóng tàu – nông ngư nghiệp – da giày – dệt may...
Việc kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và 'kèm cặp' để các doanh nghiệp FDI này đặt hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.
Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Hoàng cho hay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần thời gian đủ dài để chứng minh hiệu quả sản xuất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đối tác Việt Nam thường yêu cầu có thời gian sản xuất ổn định từ 24-36 tháng thì mới đặt hàng, nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi.
Với những đề xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, Thành phố đã có định hướng rõ ràng về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nên cùng với những hỗ trợ thì các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, mạnh dạn đầu tư hoặc tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng của Hà Nội cũng như tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, có khoảng 35 - 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Nguyễn Hạnh