Quốc gia châu Âu “bất ngờ” nối lại nhập khẩu sắt thép của Nga “Cai” khí đốt Nga, châu Âu trả giá đắt? Hungary: Nga nên là một phần của hệ thống an ninh châu Âu; ủng hộ chấm dứt xung đột ở Ukraine |
Thức tỉnh địa chính trị châu Âu
Các nhà lãnh đạo đang xác định rõ việc đầu tư vào quốc phòng của Ukraine là điều cần thiết để đảm bảo tương lai chung của châu Âu. Đầu năm 2024 đánh dấu “sự thức tỉnh địa chính trị” lần thứ hai đối với châu Âu sau cú sốc do cuộc chiến sự Nga-Ukraine. Hơn hai năm sau sự kiện đó, điều làm châu Âu thức tỉnh lần này chính là việc ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “bỏ mặc đồng minh”, kết hợp với sự đấu tranh của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine và việc Nga không ngừng gây sức ép dọc chiến tuyến.
Lần thức tỉnh thứ hai này đã châm ngòi cho các cuộc tranh cãi bùng nổ trong lòng châu Âu. Paris và Berlin chỉ trích nhau về những điều mà bên kia chưa làm hoặc chưa sẵn sàng làm để hỗ trợ Kiev. Khoảng cách giữa lời kêu gọi quyết đoán của Tổng thống Pháp Macron về những thay đổi từng bước nhằm đẩy lùi Nga và mối quan tâm chính của Thủ tướng Đức Scholz về việc ngăn chặn leo thang cho thấy những khác biệt lớn hơn giữa Pháp và Đức - và giữa các đồng minh châu Âu khác - về cách ứng phó với những diễn biến quan trọng.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AP |
Năm 2024 đầy khó khăn trước mắt sẽ cho thấy liệu sự bất hòa về mặt chiến lược này có chệch hướng khỏi mô hình xích lại gần nhau sâu sắc hơn hay sẽ tạo ra một xu hướng mới. Câu hỏi cơ bản là liệu mối đe dọa từ cuộc chiến của Nga-Ukraine cuối cùng sẽ củng cố hay chia rẽ châu Âu.
Tình trạng căng thẳng giữa sự hội tụ và chia rẽ trong các nước thành viên EU đã định hình phản ứng của châu Âu trước các cuộc khủng hoảng chồng chất trong suốt 2 thập kỷ qua và cho đến tận bây giờ. Cho đến trước đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng thỏa hiệp với nhau để đối phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp đe dọa sự gắn kết của EU.
Phản ứng của châu Âu trước đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine đánh dấu một thay đổi đáng kể. Cả hai cuộc khủng hoảng đều có quy mô và mức độ nghiêm trọng đặc biệt, đe dọa tất cả các quốc gia thành viên EU và đòi hỏi phải huy động các nguồn lực lớn để đối phó với tác động lan rộng của chúng. Trong cả hai trường hợp, các nước châu Âu đã hợp lực để vượt qua thử thách.
Cuộc chiến ở Ukraine chắc chắn đã bộc lộ sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, những tranh chấp này đã tạo ra một quỹ đạo hội tụ chính trị rộng lớn hơn, tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực chưa từng có để hỗ trợ Ukraine. Đầu năm 2024, viễn cảnh nguồn hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ dành cho Kiev cạn kiệt đã thách thức nghiêm trọng khả năng chống chịu của EU.
Viễn cảnh chiến thắng của ông Trump vào tháng 11 cũng có thể làm suy yếu độ tin cậy của các đảm bảo an ninh mà Mỹ đưa ra đối với các đồng minh NATO. Kết quả bầu cử tổng thống tới đây sẽ quyết định thái độ của Washington đối với châu Âu.
Tuy nhiên, những dòng chảy sâu sắc vốn định hình nền chính trị Mỹ và vị thế toàn cầu của nước này hiện đang thách thức giả định đã ăn sâu của châu Âu về sự phụ thuộc vào Mỹ. Cuối cùng, trách nhiệm về tương lai của Ukraine và trật tự an ninh châu Âu đang chuyển sang cho châu Âu. Nhưng vẫn chưa rõ liệu cơ cấu chính trị của châu Âu có được thiết kế để chống chịu gánh nặng này hay không. Ngoài khả năng phòng thủ còn nhiều thiếu sót, sự phụ thuộc sâu sắc vào chiếc ô an ninh của Mỹ đã ngăn các nước châu Âu phát triển một văn hóa chiến lược chung và toàn diện - cụ thể là những ưu tiên của riêng họ và cách cùng nhau thúc đẩy chúng.
Châu Âu chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng
Kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Ukraine phải giúp củng cố cách tiếp cận chiến lược chung. Điều quan trọng là các nước châu Âu phải biến sức ép địa chính trị mà họ phải đối mặt thành sức mạnh chính trị. Ưu tiên trước mắt là cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để giữ vững phòng tuyến và tăng cường phòng không.
Như Hội đồng châu Âu đã thừa nhận trong Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3, nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine sẽ là một phần trong bức tranh tổng thể nhằm thúc đẩy châu Âu chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7 sẽ là một cột mốc quan trọng để tập trung tâm trí và thúc đẩy tiến bộ. Bằng cách hợp tác cùng nhau, các nước châu Âu có thể tăng cường đóng góp cho NATO, giúp củng cố cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu và quản lý hiệu quả hơn những rủi ro mà nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ gây ra.
Các sáng kiến gần đây như Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này sẽ đòi hỏi nguồn tài trợ chung bền vững hơn nhiều và chưa có thỏa thuận nào giữa các quốc gia thành viên EU về cách thức thực hiện chiến lược này.
Việc các nước EU chưa có sự đồng thuận là một biểu hiện khác của sự cân bằng mong manh giữa hội tụ và chia rẽ trong nền chính trị cũng như quá trình ra quyết định của EU. Sự trì trệ kinh tế trên toàn khối cũng có thể làm tăng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. Trong vấn đề hỗ trợ cho Ukraine, các cuộc đàm phán rườm rà và sự chia rẽ chính trị ngày càng gia tăng trong nội bộ EU sẽ khiến số tiền phân bổ cho Ukraine trở nên nhỏ giọt và không đáng kể.
Để tránh kịch bản như vậy, các nhà lãnh đạo cần khẳng định rõ việc hỗ trợ Ukraine và xây dựng nền quốc phòng châu Âu là những khía cạnh quan trọng của chiến lược đầu tư lớn hơn vào tương lai chung của châu Âu. Nỗ lực này là điều kiện tiên quyết để đạt được tất cả các mục tiêu chính khác đang thúc đẩy chương trình nghị sự của EU, từ khả năng cạnh tranh kinh tế đến chủ quyền công nghệ, từ sự gắn kết xã hội cho đến vai trò đi đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.