Nhà thầu thi công kỳ cựu lên tiếng sau loạt phản ánh làm nứt nhà dân

17/07/2025 - 15:01
(Bankviet.com) Sau khi 60 hộ dân xã Suối Dầu phản ánh nhà bị nứt do rung chấn, nhà thầu cao tốc Nha Trang – Cam Lâm lên tiếng và phối hợp chính quyền làm rõ.
Chuyển động

Nhà thầu thi công kỳ cựu lên tiếng sau loạt phản ánh làm nứt nhà dân

Thu Hà 17/07/2025 13:24

Sau khi 60 hộ dân xã Suối Dầu phản ánh nhà bị nứt do rung chấn, nhà thầu cao tốc Nha Trang – Cam Lâm lên tiếng và phối hợp chính quyền làm rõ.

Theo thông tin trên truyền thông, ngày 17/7, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (trực thuộc Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng chính quyền xã Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa (trước đây là xã Suối Cát) để làm rõ những phản ánh liên quan đến tình trạng nứt nhà dân nghi do ảnh hưởng từ quá trình thi công tuyến cao tốc.

nha trang cam lâm
Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc người dân đồng loạt đưa ra kiến nghị sau thời gian dài công trình hoàn thành là hiện tượng bất thường, chưa phù hợp với thực tế thi công

Trước đó, vào ngày 14/7, ông Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Công ty xác nhận rằng doanh nghiệp đã gửi báo cáo chính thức lên Bộ Xây dựng, trong đó đề cập đến nội dung hỗ trợ và bồi thường cho các hộ dân có phản ánh về thiệt hại nghi xuất phát từ hoạt động thi công dự án.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm được khởi công vào tháng 9/2021 và chính thức đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023, với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Trong suốt quá trình xây dựng, theo đại diện chủ đầu tư, đơn vị không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ người dân về hiện tượng nhà bị nứt. Cũng không có kiến nghị chính thức nào gửi đến chính quyền địa phương hay đơn vị thi công trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, vào ngày 24/8/2023 – tức hơn 3 tháng sau khi dự án đi vào sử dụng – UBND xã Suối Cát (nay là Suối Dầu) bất ngờ lập biên bản ghi nhận phản ánh từ 15 hộ dân về hiện tượng nứt tường nhà, cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các hoạt động rung chấn khi đào hầm và thi công nền móng cao tốc.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc người dân đồng loạt đưa ra kiến nghị sau thời gian dài công trình hoàn thành là hiện tượng bất thường, chưa phù hợp với thực tế thi công. Theo lý giải từ doanh nghiệp, nếu có tác động thật sự đến kết cấu nhà ở, người dân đáng ra phải có phản ánh trong quá trình dự án còn thi công, chứ không đợi đến hơn 90 ngày sau mới cùng lúc lên tiếng.

Đáng chú ý, số lượng hộ dân khiếu nại liên tục tăng, từ 15 hộ ban đầu đến nay đã lên tới khoảng 60 hộ. Trong số đó, có nhiều trường hợp sinh sống ở khoảng cách tới 2km so với khu vực thi công, nhưng vẫn phản ánh bị ảnh hưởng bởi rung chấn.

Chủ đầu tư nhấn mạnh cần làm rõ cơ sở của những phản ánh này và sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xác minh thực tế. “Chúng tôi không né tránh trách nhiệm, nếu có cơ sở cho thấy thi công ảnh hưởng thực sự đến đời sống người dân, công ty sẵn sàng phối hợp xử lý”, đại diện doanh nghiệp nói.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài 50km, được thiết kế với 4 làn xe, tốc độ khai thác tối đa 80km/h. Tuyến đường này bao gồm nhiều hạng mục kỹ thuật phức tạp, trong đó nổi bật là hệ thống hầm xuyên núi với hai ống hầm dài gần 1,5km, cùng hơn 500 cầu và cống thi công trên địa hình khó khăn.

Dù đối mặt với nhiều thách thức về địa chất và kỹ thuật, Tập đoàn Sơn Hải đã đưa dự án vào khai thác trước kế hoạch tới 3 tháng – một thành tích được đánh giá cao trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đặc biệt, hạng mục hầm Dốc Sạn – một trong những công trình trọng điểm của tuyến – còn được hoàn thành sớm hơn tiến độ tới 6 tháng.

Với những kết quả đạt được, cao tốc Nha Trang – Cam Lâm từng được xem là điển hình trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công. Tuy nhiên, việc phát sinh khiếu nại từ người dân trong giai đoạn vận hành đang đặt ra yêu cầu cao hơn về giám sát tác động và minh bạch thông tin.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán