Cuộc đua nghìn tỷ về đích: Gói thầu đầu tiên của cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc về ai?

21/09/2024 - 05:22
(Bankviet.com) Theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình, cuối quý 3/2024, nhiều gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được tiến hành lựa chọn nhà thầu. Vinaconex cùng các thành viên liên danh đã giành thắng lợi lớn trong cuộc đua này, khẳng định vị thế tại một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất khu vực Tây Bắc

Theo đó, liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C – Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty CP 479 Hòa Bình trúng GT XL-01: Thi công xây lắp (bao gồm khảo sát, lập thiết kế BVTC) hạng mục nền, mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn từ Km19+000 - Km40+750 (trừ 02 công trình hầm và các hạng mục nền, mặt đường, công trình trên tuyến đoạn từ Km34+990 - Km37+87,870 và đoạn từ Km37+798,400 - Km38+911,540) với mức giá trên 1.539 tỷ đồng.

Dự án trọng điểm khu vực Tây Bắc

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 + 000 - Km53 + 000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung với mục tiêu là kết nối tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnhSơn La), từ đó tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó là hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.

Đối với tỉnh Hòa Bình, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu cũng góp phần thu hút đầu tư vào các địa phương mà tuyến đường đi qua.

Đuộc biết, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu dài khoảng 34 km, nối từ thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc đến xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Giai đoạn 1 được đầu tư quy mô 2 làn xe với nền đường rộng 12m.

Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt dự án vào cuối năm 2023 và giao Ban Quản lý DA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư (CĐT), trực tiếp mời thầu. Kinh phí thực hiện từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Cuộc đua nghìn tỷ về đích: Gói thầu đầu tiên của cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc về ai?
Khi hoàn thành, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: Minh Nguyễn (laodong.vn)

Tiếp đó, vào tháng 7/2024, dự án được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn NT với 16 GT có quy mô và tính chất khác nhau. Phần lớn các GT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Ngoài GT XL 01 nêu trên, tìm hiểu cho thấy, các GT có kinh phí lớn của dự án được CĐT đưa ra con số dự toán:

GT XL-02: Thi công xây lắp (bao gồm khảo sát, lập thiết kế BVTC) 02 công trình hầm và các hạng mục nền, mặt đường, công trình trên tuyến đoạn từ Km34+990 - Km37+87,870 và đoạn từ Km37+798,400 - Km38+911,540 (trên 1.019 tỷ đồng).

Gói thầu XL-03: Thi công xây lắp (bao gồm khảo sát, lập thiết kế BVTC) cầu Hòa Sơn và các hạng mục nền, mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn từ Km40+750 - Km50+400 (trên 5.540 tỷ đồng).

Được biết, bên mời thầu (BMT) đã phát đi TBMT cho GT XL-02 và hiện chưa đến thời điểm đóng thầu. Theo kế hoạch, GT XL-03 cũng sẽ được TBMT vào quý 3/2024, tuy nhiên đến thời điểm đã gần hết quý 3 nhưng vẫn chưa thấy TBMT được đăng tải.

Như vậy, không tính một số GT thuộc lĩnh vực tư vấn thì phát “pháo” nặng ký đầu tiên của dự án này là GT XL-01 đã "phát nổ", bắt đầu cho một đại dự án về giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Không có đối thủ, Liên danh VNCN – Vinaconex – 479 Hòa Bình thắng thầu dễ

Dữ liệu của kinhtechungkhoan.vn cho thấy, kết thúc quá trình lựa chọn NT, ngày 18/9 vừa qua, CĐT là Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình ra quyết định số 1517/QĐ-BQL phê duyệt Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C – Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP 479 Hòa Bình trúng GT XL-01 với giá trên 1.539 tỷ đồng. Được biết, dự toán GT là trên 1.819 tỷ đồng.

Mở rộng tìm hiểu, nguồn dữ liệu cho thấy, GT được được TBMT vào ngày 25/8/2024, thời gian đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT), kiến nghị và nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) của NT chỉ có 16 ngày. Vì đây là GT quy mô lớn với nhiều hạng mục khác nhau nên sau khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị dự thầu có nhiều kiến nghị với BMT, ví như: Hạng mục móng tường chắn chưa cụ thể phần đào từng lớp là bao nhiêu (thông thường phải có cao độ đáy tường chắn, cao độ mái taluy đào tường theo MCN thì NT mới tách được khối lượng).

Kiến nghị của đơn vị dự thầu được BMT giải đáp như sau:

Đối với hạng mục tường chắn: Móng tường chắn được đặt trong lớp địa chất tốt, cao độ móng tường chắn được thể hiện trong bản vẽ trắc dọc tường chắn thuộc quyển II.1: Các bản vẽ bình đồ, trắc dọc và công trình trên tuyến. Khối lượng đào đắp tính trên trắc ngang chi tiết phần đường, căn cứ vào các lớp địa chất trên trắc ngang chi tiết, NT bóc tách khối lượng đào theo phân cấp đất đá phù hợp.

Cuộc đua nghìn tỷ về đích: Gói thầu đầu tiên của cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc về ai?
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Ảnh: Báo Hòa Bình

Khác với mong chờ của dư luận về một cuộc thầu gay cấn với sự tham dự nhiều đơn vị dự thầu thầu, cạnh tranh nhau gắt gao từ bước đánh giá về năng lực kinh nghiệm đến năng lực tài chính thì tại biên bản mở thầu chỉ có duy nhất liên danh nêu trên là đơn vị dự thầu.

Giới quan sát hẫng hụt khi một đại dự án có quy mô gần 10.000 tỷ đồng mà GT xây lắp đầu tiên mất đi yếu tố cạnh tranh.

Năng lực của liên danh trúng thầu

Được biết, tính đến ngày 30/6/2024, Vinaconex (HoSE: VCG) có tổng nguồn vốn là 28.635 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 10.838 tỷ đồng. Đáng chú ý, DN này có nợ ngắn hạn phải trả là 12.624 tỷ đồng, cao hơn 16% so với vốn chủ sở hữu. Con số nợ dài hạn phải trả là 5.172 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả của Vinaconex là trên 17.000 tỷ đồng. Trong số 12.624 tỷ đồng nợ ngắn hạn phải trả thì vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 4.865 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2024, Vinaconex cũng báo lượng hàng tồn kho của DN ở mức 7.507 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, dù là DN chuyên về lĩnh vực xây dựng, nhưng Vinaconex có doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2024 là trên 124 tỷ đồng. Doanh thu ấn tượng ở hoạt động này, nhưng chi phí tài chính của VCG lại bị phình to. Theo đó, tính đến hết ngày 30/6/2024, Vinaconex có tổng chi phí tài chính là 239 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm tới 98%, với 236 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Vinaconex vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước và sau thuế ở mức trên 742 tỷ đồng và 618 tỷ đồng.

Là ông lớn trong ngành xây dựng nên sự xuất hiện của Vianconex tại GT XL -01 không khiến giới quan sát bất ngờ. Tuy nhiên, “hồ sơ” về các thành viên liên danh còn lại khiến dư luận bận tậm không ít.

Theo tìm hiểu của kinhtechungkhoan.vn, tháng 11/2023, trong văn bản 2766/CQLXD-CCPN gửi Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) Mỹ Thuận, Cục quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải nêu rõ: "Đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận có phương án xử lý các đơn vị chậm tiến độ tại GT XL01 thuộc Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ". Đáng chú ý, cơ quan này chỉ đích danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ Thuật VNCN E&C.

Thời điểm đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023 nhằm khai thác đồng bộ với cầu Mỹ Thuận 2 và nối thông toàn tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Cần Thơ.

Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị nhằm đảm bảo việc hoàn thành các GT theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thi công GT XL01 do Công ty VNCN E&C triển khai thi công rất chậm, không bảo đảm nối thông tuyến chính, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các đơn vị khác cũng như của dự án.

Cuộc đua nghìn tỷ về đích: Gói thầu đầu tiên của cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc về ai?
Quyết định phê duyệt kết quả LCNT của GT XL - 01

Liên quan đến tình hình tài chính của Công ty VNCN E&C, vào tháng 5/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Quyết định số 216/QĐ-XPHC xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoánthị trường chứng khoán đối với DN này do hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, với mức tiền phạt 85 triệu đồng.

Theo đó, Công ty không thực hiện công bố thông tin định kỳ bán niên năm 2021, định kỳ năm 2021, định kỳ bán niên 2022 đối với các tài liệu: Tình hình tài chính (Báo cáo tài chính); Tình hình thanh toán lãi gốc trái phiếu; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

Được biết, Công ty VNCN E&C có quá khứ gắn liền với Vinaconex. Theo đó, DN này thành lập năm 2007, tiền thân là Phòng Tư vấn đầu thầu và quản lý dự án, trực thuộc Tổng công ty Vinaconex. Lĩnh vực hoạt động của Công ty là chuyên về xây lắp, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ nhà thầu đa dạng trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng, giao thông, tư vấn quản lý dự án…

Công ty có trụ sở chính tại tầng 18, tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Được biết, tại lần đăng ký thay đổi lầ thứ 9 vào tháng 1/2019, DN này có số vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Người đại diện là ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc.

Về Công ty CP 479 Hòa Bình. Đây là DN đến từ Nghệ An, có địa chỉ tại số 54, đường Nguyễn Du, Tp. Vinh. Vào tháng 7/2024, Công ty có vốn điều lệ là 152 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là ông Đinh Văn Thanh, tổng giám đốc.

Liên danh TEDI – Giang Đông trúng gói thầu trăm tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu

Là nhà thầu duy nhất góp mặt, liên danh gồm Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP (TEDI, UPCOM: ...

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Lộ diện các nhà thầu lớn tham gia, điểm nhấn từ cầu dây văng dài nhất Việt Nam

Liên danh Đèo Cả tham gia đấu thầu thi công gói thầu XL-02 thuộc dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Dự án ...

Mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phương án 12.778 tỷ đồng thay vì 7.000 tỷ từ Bộ GTVT

Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 2 lên 6 làn xe cần gần 13.000 tỷ đồng, phù hợp với ...

Hé mở 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc hơn 136.000 tỷ đồng đi qua 5 tỉnh thành

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM với tổng chiều dài hơn 206 km, đi qua 5 tỉnh thành phía Nam, đang được đề xuất ...

Bùi Quý

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán