Sẵn sàng nguồn hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2024 Bình Dương: Hơn 2.250 tỷ đồng dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn |
Hàng hóa phong phú, tổng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết ước khoảng 2.580 tỷ đồng
Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong các dịp lễ, tháng cuối năm 2023, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là các mặt hàng thiết yếu, sở đã làm việc với các đơn vị cung ứng, bán lẻ trên địa bàn thành phố về dự trữ hàng hóa phục vụ người dân.
Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đã lên kệ các siêu thị tại TP. Đà Nẵng |
Năm nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái và đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá; tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.580 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị với giá trị dự trữ khoảng gần 1.015 tỷ đồng; thương nhân kinh doanh tại các chợ tham gia dự trữ với giá trị ước khoảng 750 tỷ đồng; Các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ với giá trị ước trên 815 tỷ đồng.
Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là gạo các loại; thịt các loại; thực phẩm chế biến, đóng hộp; thực phẩm khô; bánh kẹo mứt hạt dưa; rau củ quả các loại.
Ông Lê Quang Thanh – Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết, góp phần bình ổn giá cả thị trường cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hệ thống siêu thị Saigon Coop đã dự trữ hàng hóa lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng 20 – 50% tùy theo nhóm ngành hàng.
Tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng sẽ dành ưu tiên dự trữ hàng hóa như: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Sức mua tại các chợ truyền thống năm 2023 và đến thời điểm hiện tại vẫn rất trầm lắng |
Tại các chợ, ghi nhận ở thời điểm hiện tại, thị trường rất trầm lắng. “Năm nay sức mua tại chợ truyền thống giảm rất mạnh, vì vậy, tiểu thương cũng đang trông vào mùa hàng Tết”, bà Nguyễn Thị Hạnh – Tạp hóa Hồng Lụa (chuyên doanh hàng công nghệ thực phẩm, chợ Đống Đa, TP. Đà Nẵng) nói và cho biết, hiện đơn vị đang tham gia bán hàng khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. “Chúng tôi cũng có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết nhưng không nhiều. Nguồn hàng hiện rất phong phú nên nếu sức mua tăng thì có thể huy động hàng kịp thời để cung cấp. Về giá cả, các mặt hàng hiện đều có giá cả ổn định, không có mặt hàng nào có dấu hiệu tăng giá”, bà Hạnh cho hay.
Nguồn cầu xăng dầu trên địa bàn thành phố dự kiến tăng 20%, vì vậy, các đơn vị phân phối, cung ứng xăng dầu cũng đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Các tiểu thương đang trông vào mùa cao điểm Tết Giáp Thìn năm 2024 |
Nhiều chương trình kích cầu, đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao và tạo sự sôi động cho thị trường bán lẻ Đà Nẵng, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại kích cầu sẽ tiếp tục được tổ chức.
Trong đó, nổi bật là Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024 diễn ra từ ngày 23/01/2024 đến ngày 28/01/2024 (nhằm ngày 13 đến ngày 18 tháng Chạp, năm Quý Mão); với quy mô khoảng 250 gian hàng gồm các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, hàng may mặc thời trang, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử, gia dụng... Một số hội chợ, lễ hội khác như: Hội chợ triển lãm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đà Nẵng năm 2023 từ ngày 25/12/2023 đến ngày 31/12/2023 do quận Thanh Khê tổ chức; Lễ hội Tết Việt 2024 từ ngày 26/01/2024 đến ngày 28/01/2024 do huyện Hòa Vang tổ chức….
Song song với đó, nhiều chương trình bán hàng bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 cũng sẽ được tổ chức.
Trong đó, các siêu thị như: Go! Đà Nẵng; Coopmart Đà Nẵng; Lotte Mart Đà Nẵng, MM Mega Market… đăng ký tổ chức các điểm bán hàng bình ổn tại địa điểm kinh doanh của đơn vị với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…; đồng thời, tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết. Các mặt hàng bình ổn giá gồm nhu yếu phẩm, thực phẩm, bánh kẹo Tết, đồ gia dụng, quần áo...
TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức chương trình bán thịt heo bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
“Chúng tôi kỳ vọng sức mua và lượt khách trong những tuần giáp Tết Nguyên đán sẽ tăng 20 – 30% so với tháng bình thường, những ngày sát Tết sức mua tăng 50% so với ngày thường”, đại diện Coopmart Đà Nẵng nói và cho biết, các mặt hàng thiết yếu trên sẽ được dự trữ và cung ứng đến người tiêu dùng với giá cả bình ổn, chất lượng đảm bảo.
Đại diện MM Mega Market cho biết, trong dịp cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đơn vị thực hiện chương trình mua hàng bình ổn, tiết kiệm thông minh với hơn 500 mặt hàng thiết yếu.
Năm nay, thành phố Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chương trình hàng bình ổn các mặt hàng gia súc gia cầm (chủ yếu là thịt heo và thực phẩm chế biến từ thịt heo, trứng gà). Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 06-08/02/2024, nhằm ngày 27-29 tháng Chạp, năm Quý Mão) với có 19 điểm bán hàng thịt heo bình ổn giá trên các quận, huyện.
Ngoài ra, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức 3 đợt đưa hàng hóa bình ổn giá về phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn các xã miền núi huyện Hòa Vang (xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú).
Vũ Lê