Vấn đề trăn trở nhất của Bộ trưởng Hầu A Lềnh qua nửa nhiệm kỳ Bộ trưởng Hầu A Lềnh lý giải việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo |
Trong phiên làm việc ngày 6/6, đặt vấn đề về việc triển khai Chương trình mục tiêu về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của Bộ trưởng về sử dụng vốn.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, qua trả lời của Bộ trưởng Hầu A Lềnh thì dường như việc triển khai Chương trình mục tiêu về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc là rất tốt nhưng trên thực tế chưa phải như vậy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội |
Theo Báo cáo số 100 của Chính phủ thì còn hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, giải ngân kém, phải trình Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện theo Nghị quyết 69, huy động vốn kém.
"Đáng ngạc nhiên hơn khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nêu là do thời tiết, do dịch bệnh, do biến động quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng về sử dụng vốn ngoài việc giải ngân rất thấp” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Cụ thể, ngoài việc giải ngân rất thấp, chỉ đạt 4.634 tỷ, bằng 51% thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo tập huấn, hội thảo bình đẳng giới 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỷ, kiểm tra hội thảo 88 tỷ, trong khi đó xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ đồng… Theo đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?
Tại phiên chất vấn sáng 7/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời về nội dung này. Theo Bộ trưởng, các dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ, hiện nay mới tổ chức được một số cuộc hội thảo, hội nghị truyền thông và hiện nay tập trung chủ yếu là công tác truyền thông… Còn một nội dung nữa liên quan đến đến quỹ tín dụng của Hội Phụ nữ thì liên quan đến Luật Ngân sách và các quy định về thành lập các quỹ ở địa phương. Cho nên, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Dân tộc cùng với Hội Phụ nữ Việt Nam thống nhất lại dự án này, nếu trong trường hợp không thể triển khai được vì vướng luật thì cũng là một dự án không triển khai được trong nhóm khó triển khai để báo cáo với Quốc hội cho điều chỉnh vào tháng 10...
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai trao đổi kỹ về nội dung chi cho hội thảo và tư vấn |
Trao đổi lại, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rất rõ nhiệm vụ tăng chi đầu tư và khi trình Quốc hội thì các Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã nêu rất rõ là "nguồn lực có hạn thì cần phải đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể", hạn chế việc chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo tư vấn. Tuy nhiên, khi đọc Báo cáo của Chính phủ thì đại biểu thấy cơ cấu này chưa hợp lý, không chỉ ở một dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ mà ở rất nhiều các hợp phần khác...
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương. Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.
Ngọc Linh