Phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa Công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP: Mục tiêu đầy triển vọng |
Bình quân chi khoảng 1 tỷ USD/năm
Ngày 19/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương cho biết, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, là chủ trương đã được nêu rõ tại nhiều văn kiện nghị quyết của Đảng ta và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11/2021.
Việc triển khai đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa theo Báo cáo số 166 của Chính phủ ngày 17/4/2024 của Chính phủ là hết sức cần thiết và kịp thời để thể chế hóa chủ trương này. Báo cáo thể hiện sự nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng của cơ quan đề xuất chương trình. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra số 2457 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ngày 23/5 cũng đã nêu chi tiết các điểm mấu chốt còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đóng góp một số điểm chính để tăng tính khả thi, hiệu quả của chương trình, đại biểu nêu, hiện nay, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư là 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương với gần 11 tỷ USD. Bình quân chi cho chương trình là khoảng 1 tỷ USD/năm.
"Nếu tính trên tổng GDP 420 tỷ USD của Việt Nam hiện nay, số chi 1 tỷ USD là khá lớn, nhưng vào giai đoạn 2035, GDP có thể 800-900 tỷ USD thì số chi 1 tỷ USD lại là nhỏ" - đại biểu nói.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, vấn đề là căn cứ để xác định vốn đầu tư nêu tại trang 95 của Báo cáo số 166 lại không tương thích với 10 thành phần của chương trình, cơ sở để lập khái toán tổng mức đầu tư chủ yếu tham chiếu từ các hạng mục công việc thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020 khi giá cả thị trường và quy mô nền kinh tế liên tục thay đổi.
"Việc đưa ra tổng mức đầu tư chương trình để Quốc hội phê chuẩn thiếu cơ sở thực tế và gây khó khăn cho điều hành của Chính phủ sau này" - đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, theo đại biểu cần rà soát lại 10 thành phần của chương trình để bao trùm hết mục tiêu và hướng đến giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm bám sát với từng thành phần đó cho cả các hạng mục vật thể và phi vật thể rồi quy ra phần trăm GDP ước tính từng năm theo dự báo trong chiến lược phát triển kinh tế của từng thời kỳ.
Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo tỷ lệ GDP hàng năm, còn các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định dựa trên tình hình thực tế.
Ngoài ra, về xác định thời gian thực hiện chương trình, đại biểu cho rằng, hiện nay chương trình đề xuất 3 giai đoạn kéo dài 11 năm là không hợp lý, vì giai đoạn 1 chỉ gồm có 1 năm 2025 để chuẩn bị chương trình, các giai đoạn sau là thực hiện chương trình.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần bố trí ngân sách ngay từ bây giờ để các cơ quan Chính phủ có thể bắt tay ngay vào giai đoạn chuẩn bị để xây dựng chương trình một cách kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, sau đó trình Quốc hội phê duyệt toàn bộ chương trình vào Kỳ họp thứ 9 hoặc thứ 10 chỉ với 2 giai đoạn được thực hiện là 2026-2030, 2031-2035, trùng với các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính thống nhất trong hoạch định chính sách của Chính phủ.
Tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện và gây lãng phí
Về cơ cấu nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư cũng như huy động về nguồn vốn và các nguồn lực khác, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - đoàn Hưng Yên nêu, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương chiếm vai trò chủ đạo.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên |
Trong bối cảnh hiện nay, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang có nhu cầu thực hiện giai đoạn tiếp của 2026-2030, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư vốn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên thực hiện và tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện và gây lãng phí.
Ngoài ra, đối với từng nội dung, chương trình thuộc thành phần chưa xác định được tổng vốn đầu tư theo nguồn và dự kiến từng năm, đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn dự kiến nguồn kinh phí đối với từng dự án thành phần, trong đó bao gồm nguồn kinh phí trung ương, nguồn kinh phí địa phương và nguồn huy động trên cơ sở phân định rõ nhiệm vụ giữa Trung ương và địa phương để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ và bố trí nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện.
Về cơ cấu chi, đại biểu đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm khá cao là 24,6%, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đảm bảo có khả năng tự cân đối ngân sách.
Theo Báo cáo kết quả giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc bố trí vốn đối ứng của nhiều tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào trung ương rất thấp. Năm 2022 có 9 tỉnh và năm 2023 có 6 tỉnh không bố trí vốn đối ứng, chỉ ưu tiên bố trí 1-2 dự án hoặc bố trí rất thấp.
Tờ trình của Chính phủ cũng xác định nguồn vốn dự kiến thực hiện chương trình trong năm 2025 là 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29 phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như vậy, đến 2025 là thời điểm tập trung xây dựng khung chính sách của chương trình.
Sau khi khung chính sách thực hiện chương trình được cấp có thẩm quyền ban hành thì các bộ, ngành và địa phương mới có cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch thực hiện, do đó đề nghị xác định rõ cơ sở bố trí vốn cho chương trình trong năm 2025.
Đối với giai đoạn 2026-2030, đề nghị bổ sung cơ sở phương án xác định tổng mức vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể theo các dự án, tiểu dự án thành phần và thứ tự ưu tiên tương ứng với mục tiêu, chương trình, đảm bảo đầu tư tập trung, trọng tâm, hiệu quả và thực hiện phân cấp ngân sách giữa trung ương, địa phương phù hợp với nguồn vốn bố trí cho các chương trình, dự án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, về cơ chế quản lý, điều hành chương trình, đại biểu chia sẻ thêm, theo báo cáo có 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương có liên quan tổ chức thực hiện chương trình cũng được giao nhiệm vụ chung.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm từ việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, nghiên cứu kỹ lưỡng việc phân công đầu mối hướng dẫn triển khai thực hiện, đảm bảo tinh gọn, rõ ràng, hợp lý, không chồng chéo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; cân nhắc việc thu hẹp đầu mối quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, giảm số lượng văn bản hướng dẫn phải ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, nhất là cấp xã, xây dựng cơ chế quản lý thống nhất với cơ chế quản lý của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.