Đại biểu Quốc hội: Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay

31/10/2023 - 02:57
(Bankviet.com) Các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/10/2023...

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, Chương trình này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 07 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.

Đại biểu Quốc hội: Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay
Phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/10/202

Kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”. Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, một trong tồn tại, hạn chế cũng được Báo cáo nêu rõ, là việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất. Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình...

Thảo luận tại hội trường, vấn đề chất lượng giảm nghèo cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình), cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa?. “Nhiều địa phương cũng chỉ vì chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết, theo kế hoạch hằng năm nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu giảm được số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất”, đại biểu Trần Quang Minh nói.

Đại biểu Quốc hội: Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay
Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu ý kiến

Về đề xuất, đại biểu này cho rằng cần phải phát huy kênh bảo trợ xã hội với những hỗ trợ căn bản nhất để đưa những người nghèo không có khả năng thoát nghèo vào diện này. “Vì nếu để (những người nghèo không có khả năng thoát nghèo trong đối tượng hộ nghèo chung) sẽ làm khó trong quá trình thực thi, thậm chí xảy ra tình trạng miễn cưỡng hình thức suy xét ra khỏi hộ nghèo, trong khi thực sự chưa thoát nghèo chứ chưa nói đến thoát nghèo một cách bền vững”, vị đại biểu lý giải.

Bên cạnh đó đại biểu Minh cũng nêu một thực tế, việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, trên thực tế việc người dân, nhất là người nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Cho thấy truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền.

Từ thực tế đó, đại biểu đề xuất cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vì khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững và lâu dài.

Một số đại biểu cũng nhấn mạnh, ý chí vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), việc thoát nghèo và giảm nghèo; sự nghèo hay không nghèo là biến số.

“Giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ, một gia đình có thể đang rất bình thường, nhưng nếu chỉ cần có một người ốm, một người bị bệnh nặng phải đi điều trị, tự nhiên có thể trở thành hộ nghèo. Cũng có những cơ may để cho các gia đình nghèo có thể thoát nghèo trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta. Như vậy, quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến”, vị đại biểu phân tích và cho rằng, sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu, các chính sách Nhà nước mãi mãi vẫn chỉ là sự hỗ trợ và chỉ thực sự có ý nghĩa khi các chủ thể đã có ý thức vươn lên.

“Tại sao cùng trong một điều kiện của cùng một khu vực, của một hoàn cảnh có người vươn lên thoát nghèo và có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được tham gia vào hộ nghèo. Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn và được trở lại hộ nghèo lại vui, vì họ quan tâm đến chính sách hỗ trợ. Tôi nghĩ rằng phải có một sự thay đổi rất cơ bản về mặt nhận thức của đối tượng, của các chủ thể được hưởng thụ các chính sách này”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận định.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, đại biểu đánh giá rất cao các chương trình mục tiêu trong thời gian qua nhưng còn một nguyên nhân căn cơ mà người dân “chưa muốn” thoát nghèo. “Đó là vì từ cách làm cho đến chất lượng chương trình của chúng ta chưa thực sự để người dân tin, sự bền vững chưa cao (cả trước mắt và lâu dài) cho nên người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo. Điều đó vẫn chỉ trong ranh giới, khi hết chương trình, hết dự án thì lúc bấy giờ nghèo lại hoàn nghèo”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói và cho rằng: “Vấn đề cần quan tâm đó là cách làm và chất lượng của các chương trình phải đảm bảo mang tính bền vững cao. Lúc bấy giờ tự người dân sẽ nhận thức được và người ta hồ hởi, không ai muốn quay lại nghèo”.

Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không để thiếu điện trong mọi trường hợp

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ ...

BIDVngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh tại Việt Nam

Thị trường vốn Việt Nam vừa chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi ...

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán