Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 29/8/2023, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về vấn đề này còn có 2 nhóm ý kiến.
Nhóm ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.
Nhóm ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Quy định theo hướng này sẽ không phải bổ sung nội dung trong Luật Nhà ở, không gây xung đột với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp |
Về việc có nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân hay không, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, không nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, vì Tổng Liên đoàn Lao động là một tổ chức chính trị mà tổ chức chính trị không có chức năng tổ chức kinh doanh.
Nhà ở xã hội cho công nhân là cho thuê, thuê mua và bán, như vậy Tổng liên đoàn Lao động không có chức năng này. Nếu giao cho Tổng Liên đoàn phải thông qua một doanh nghiệp để thực hiện dự án này. Nếu thông qua một doanh nghiệp thì để cho chủ đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc chủ đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất làm chủ đầu tư là được.
Theo đại biểu, Tổng Liên đoàn Lao động muốn làm chủ đầu tư để lo cho đời sống, sinh hoạt, nhà ở của công nhân. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động lo cho công nhân ở nhiều mặt khác chứ không phải chỉ có mặt đó. Đây là vấn đề rất quan trọng, Tổng liên đoàn Lao động cần nghiên cứu lại.
“Bởi không khéo chúng ta mất cán bộ của Tổng Liên đoàn trong việc quản lý này, vì đơn vị không có chức năng kinh doanh, mà lại thực hiện dự án nhà ở của công nhân. Đây đều là các dự án rất lớn, lên tới hàng ngàn tỷ. Trong cả nước cũng có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu giao cho Tổng Liên đoàn, tôi thấy việc này sẽ không phù hợp" - đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Theo dự án của Chính phủ, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở cho công nhân. Để có nguồn vốn thực hiện, có đề xuất lấy tiền từ nguồn thu của Công đoàn, chứ không lấy từ nguồn thu ngân sách nhà nước. "Vậy tiền của Tổng Liên đoàn ở đâu mà có và làm sao đảm bảo đủ điều kiện để xây dựng tới năm 2030 được 1 triệu căn nhà ở cho công nhân? Do đó, đây là một vấn đề cần phải cân nhắc" - đại biểu lưu ý.
Quỳnh Nga