Đại biểu Quốc hội: Ngành Công Thương rất nỗ lực trong điều hành, được Nhân dân đánh giá cao

24/05/2024 - 21:17
(Bankviet.com) Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, ngành Công Thương đã rất nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực thuộc ngành, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Hội nghị ngành Công Thương 06 tỉnh Bắc Trung Bộ Bộ Công Thương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 65/NQ-CP của Chính phủ Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Xuất khẩu tăng trưởng, công nghiệp phục hồi tích cực

Trong báo cáo của Chính phủ, được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV mới đây đã nêu rõ những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024.

Đại biểu Quốc hội: Ngành Công Thương rất nỗ lực trong điều hành, được nhân dân đánh giá cao
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Những tín hiệu lạc quan về triển vọng của nền kinh tế đã được Phó Thủ tướng đưa ra như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.

Đáng chú ý, những kết quả của ngành Công Thương đã được nêu cụ thể. Đó là, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).

Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%. “Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%” - Phó Thủ tướng cho hay.

Cùng với đó, sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia đạt 96,155 tỷ kWh, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 30,96% kế hoạch (310,6 tỷ kWh)…

Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định, xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng tăng trên 15%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng.

Ủy ban Kinh tế ghi nhận, trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024.

Phải nhấn mạnh thêm rằng, đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề.

Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.

Trước tình hình đó, thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01, 02 và các Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước; tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu; xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia...

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

Trong tốc độ tăng GDP có sự đóng góp lớn của ngành Công Thương

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, nhìn vào báo cáo của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2024, chúng ta thấy có những điểm sáng rất đáng kể, trong đó, phải kể đến tốc độ tăng GDP và trong tốc độ tăng GDP đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành Công Thương khi tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tăng, cùng với sự phục hồi tích cực của công nghiệp.

"Tôi thấy ngành Công Thương đã rất nỗ lực trong chỉ đạo điều hành các lĩnh vực thuộc ngành, được cử tri và nhân dân đánh giá cao" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Làm rõ hơn quan điểm này, đại biểu đoàn Hải Dương lấy ví dụ về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đại biểu, giá xăng dầu được điều hành rất linh hoạt trong những tháng đầu năm.

Tuy rằng có những lúc giá xăng dầu tăng và có những lúc giá xăng dầu giảm, tuy nhiên, sự điều hành đó không xáo trộn lớn cho thị trường mà tạo niềm tin cho người dân. Đó là, người dân sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định khi giá xăng dầu thế giới đã giảm.

"Trong việc điều hành linh hoạt đó, kể cả khi giá xăng dầu thế giới tăng chúng ta phải tăng giá, thì cũng không mang lại phản ứng trái chiều trong nhân dân" - đại biểu nói, đồng thời so sánh một số năm trước, mỗi khi có mặt hàng nào tăng giá, thông thường phản ứng ngay tức thì của người dân là kêu ca.

Song với sự điều hành linh hoạt như hiện nay, điều này đã giảm và người dân thấy rằng đây là việc điều hành theo thị trường cho nên có tăng có giảm, nhưng khi nào giá giảm, người dân sẽ được hưởng lợi, còn khi nào giá tăng theo quy luật cung cầu. "Vì vậy, tôi thấy ngành Công Thương đã rất nỗ lực" - đại biểu nhấn mạnh thêm.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam trong nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, đây là "bài toán" đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của nước ta 3 năm liên tiếp chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, bởi lao động của Việt Nam hiện nay đang cơ cấu rất lệch, chủ yếu tập trung trong khu vực có năng suất lao động rất thấp như khu vực lao động tự do, dịch vụ và khu vực sản xuất nông nghiệp, còn những khu vực có năng suất lao động cao, chúng ta lại chưa tập trung phát triển được như công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp điều hành sẽ phải là tổng thể các giải pháp vĩ mô nhưng ngành Công Thương cũng cần nỗ lực, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, nhất là những vấn đề liên quan đến ngành như xuất khẩu, nhập khẩu.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương