Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào tháng 6/2022 của DPM đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 50%, tương ứng 5.000 đồng/cổ phiếu. Đây vốn đã là mức chia cổ tức cao nhất trong lịch sử hoạt động doanh nghiệp.
Với kết quả kinh doanh khả quan, HĐQT DPM mới đây đã trình ĐHĐCĐ về việc điều chỉnh tăng tỷ lệ chia cổ tức lên 70%, tức 7.000 đồng/cổ phiếu. Tại cuộc họp bất thường ngày 27/12, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án mới này. Như vậy, với hơn 391,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DPM sẽ chi ra gần 2.800 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ trình bày các nội dung tại phiên họp. |
Thông tin bên lề, đại diện DPM cho biết ước tính trong năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt mức kỷ lục gần 20.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Trước đó, DPM công bố kế hoạch sản lượng bán quý IV/2022 thận trọng mặc dù dự kiến là mùa cao điểm. DPM đặt kế hoạch sản lượng bán urê là 170.698 tấn với lượng urê xuất khẩu là khoảng 55.000 tấn.
Về thị trường xuất khẩu, DPM đã ký hợp đồng xuất khẩu 35.000 tấn urê chủ yếu sang Ấn Độ trong quý IV/2022. Có một số cuộc đấu thầu để xuất khẩu urê trong quý 4/2022, nhưng DPM vẫn chưa chốt các thương vụ này do giá thầu thấp và công ty đang thương lượng giá bán thuận lợi hơn. Đối với thị trường trong nước, DPM kỳ vọng nhu cầu sẽ đạt đỉnh vào vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền Bắc.
Ngoài ra, DPM dự kiến ASP urê sẽ tăng vào cuối năm 2022 - tháng 1/2023 do nhu cầu cao hơn vào cuối năm. Bên cạnh đó, DPM có kế hoạch thời gian bảo dưỡng 1 tháng vào quý 2/2023. Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp cho biết rằng thường mất 1 tháng để DPM tiến hành bảo dưỡng định kỳ 2 năm một lần. Do đó, DPM dự báo sản lượng sản xuất năm 2023 sẽ thấp hơn 70.000 tấn so với năm 2022.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 27/12, cổ phiếu DPM tăng 2,75% lên 43.000 đồng/cp với thanh khoản đạt 1,2 triệu đơn vị.
Kiều Vui