Dàn xếp tái cấu trúc nợ ngoài tòa: Thống nhất phương án xử lý nợ xấu, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

26/12/2024 - 06:41
(Bankviet.com) Ngày 17/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Dàn xếp tái cấu trúc nợ ngoài tòa – thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn”.
dan-xep-ngoai-toa-them-huong-xu-ly-no-cho-cac-to-chuc-tin-dung_67613ff9215b2.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, các ngân hàng và công ty mua bán nợ của ngân hàng rất quan tâm đến hoạt động dàn xếp xử lý nợ ngoài tòa. Đặc biệt, là làm thế nào để đảm bảo truyền tải đúng thông tin xử lý nợ, giải quyết nợ xấu với các hình thức đa dạng, kể cả việc thỏa thuận với khách hàng để nâng cao khả năng tái cấu trúc khoản nợ, có thể cho vay mới....

Việc xử lý nợ hiện nay hết sức khó khăn, nhiều trường hợp đưa ra toà án đến cấp phúc thẩm mà vẫn không đạt hiệu quả, dẫn đến việc xử lý ngày càng phức tạp, không triệt để. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ, ngân hàng cần có giải pháp xử lý quyết liệt.

“Cần có thái độ kiên quyết, quyết liệt đối với các đối tượng chây ì, cố tình không trả nợ, trường hợp cần thiết có thể đề nghị triển khai xử lý theo pháp luật. Đây là quan điểm của Hiệp hội Ngân hàng đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức hội viên”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

dan-xep-ngoai-toa-them-huong-xu-ly-no-cho-cac-to-chuc-tin-dung_67613f24dbac0.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, ngân hàng cũng cần có hành xử văn minh trong việc xử lý thu hồi nợ và tìm giải pháp xử lý để thu hồi nợ hiệu quả. Muốn làm được điều đó, Hiệp hội Ngân hàng, với vai trò là tổ chức trung gian, sẽ kết nối các ngân hàng, TCTD cùng nhau trao đổi, thống nhất phương án xử lý nợ xấu nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, vừa thu hồi được nợ, vừa giảm tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình xử lý nợ, các ngân hàng, TCTD cần chú trọng chung tay phối hợp tập thể cũng như chia sẻ khó khăn với khách hàng, tránh trường hợp nợ quá hạn, ngân hàng phát mại tài sản dẫn đến doanh nghiệp phá sản.

“Qua hội thảo hôm nay, với chia sẻ của IFC về kinh nghiệm xử lý nợ ngoài toà của các nước trên thế giới, tôi hy vọng, hoạt động triển khai nghiệp vụ xử lý nợ ngoài toà sẽ trở nên phổ biến tại các ngân hàng Việt Nam, truyền bá quan điểm xử lý nợ văn minh; phân tích, đánh giá và xem xét tái cấu trúc nợ, chủ động giải quyết cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Giới thiệu tại hội thảo về bộ công cụ dàn xếp tái cấu trúc nợ ngoài tòa của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Nina Pavlova Mocheva, Chuyên gia tài chính cao cấp của Nhóm ngân hàng thế giới cho biết, để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ, cần có quyết định cho phép thực hiện tái cấu trúc nợ ngoài tòa; cùng với đó, văn hóa đàm phán cần được xây dựng và áp dụng vào văn hóa kinh doanh, giải cứu, hợp tác chủ nợ dựa trên sự tin tưởng và thiện chí.

dan-xep-ngoai-toa-them-huong-xu-ly-no-cho-cac-to-chuc-tin-dung_67613f5b25b49.jpg
Bà Nina Pavlova Mocheva, Chuyên gia tài chính cao cấp của Nhóm NHTG chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, bà Nina thông tin, Nhóm ngân thế giới đã xây dựng Bộ công cụ tái cấu trúc doanh nghiệp năm 2022, bao gồm 2 mục tiêu chính là: (1) Cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách công cụ để xây dựng khung và văn hóa tái cấu trúc doanh nghiệp trong nền kinh tế; (2) Hỗ trợ thực hiện các nguyên tắc tái cấu trúc doanh nghiệp phi chính thức để cứu những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Trọng tâm của Bộ công cụ là thực hiện tái cơ cấu, nêu bật một chuỗi các công cụ từ không chính thức đến các công cụ có cấu trúc hơn (tái cấu trúc nợ ngoài tòa không chính thức, tái cấu trúc nợ ngoài tòa nâng cao, tái cấu trúc lai ghép đàm phán kết hợp quy trình tòa án, tái cấu trúc phòng ngừa) dành cho các nhà hoạch định chính sách, định chế tài chính và doanh nghiệp.

Chuyên gia IFC cũng cho rằng, các ngân hàng Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét và đánh giá quá trình trước khi áp dụng để điều chỉnh các công cụ cho phù hợp và khắc phục những khó khăn trong hoạt động dàn xếp xử lý nợ ngoài tòa.

dan-xep-ngoai-toa-them-huong-xu-ly-no-cho-cac-to-chuc-tin-dung_67613f79a0e09.jpg
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) cho biết, xử lý nợ với nhiều chủ nợ trước khi tiến hành tố tụng (còn gọi là thủ tục xử lý nợ ngoài Toà án) là quá trình giải quyết nhân văn giữa các TCTD (bên cho vay) với doanh nghiệp (bên vay) nhằm xử lý nợ, giúp phục hồi hoạt động kinh doanh.

Xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng có ý nghĩa to lớn, giúp các TCTD giảm tỷ lệ nợ xấu; giúp doanh nghiệp mắc nợ có thể tránh được tình trạng phá sản, có khả năng vượt qua các khó khăn tạm thời về tài chính; đem lại lợi ích cho các bên liên quan khác (người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư...) thông qua việc giảm tổn thất và giúp toà án giảm áp lực trong việc giải quyết các vụ việc phá sản.

Ngoài ra, xử lý nợ trước khi tiến hành tố tụng có ý nghĩa nhất định với sự phát triển kinh tế và xã hội, góp phần đảm bảo sự bền vững của hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuất phát từ việc doanh nghiệp đi vay bị phá sản.

Do đó, dự thảo bộ tài liệu hướng dẫn tái cấu trúc nợ ngoài tòa được xây dựng nhằm thiết lập một khuôn khổ hành động cho việc xử lý nợ và giúp bên nợ phục hồi kinh doanh hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết thêm, điều kiện cơ bản để bên nợ được thực hiện việc tái cấu trúc nợ và mở thủ tục tái cấu trúc nợ đó là cần quy định ngưỡng tối thiểu của tổng giá trị các khoản nợ phải trả của bên nợ với các bên cho vay, và có tối thiểu 2 bên cho vay; Bên nợ không thuộc trường hợp phải mở thủ tục phá sản. Đồng thời, các khoản nợ phải trả còn tối thiểu 4 tháng tính đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ,…

Dẫu vậy, bộ tài liệu hướng dẫn về tái cấu trúc nợ chỉ mang tính khuyến nghị, tham khảo và không có giá trị pháp lý bắt buộc.

Ngoài ra, cấu trúc của tài liệu tái cấu trúc nợ ngoài tòa bao gồm một số nội dung chính, như: (i) Điều khoản định nghĩa; (ii) Điều kiện để bên nợ thực hiện việc xử lý nợ; (iii) Mở thủ tục xử lý nợ; (iv) Thời gian đàm phán xử lý nợ; (v) Thực hiện hợp đồng xử lý nợ; (vi) Phụ lục về đơn đăng ký mở thủ tục và thỏa thuận về mở thủ tục xử lý nợ.

Ông Nguyễn Hồng Quân, thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân, thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết, đây là nội dung mới nhưng đã trở thành vấn đề nóng kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, ảnh hưởng đến việc thu nợ, xử lý nợ của các TCTD do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Đánh giá thực tiễn việc triển khai luật hóa vấn đề xử lý nợ ngoài tòa, ông Quân cho rằng, đây là chặng đường khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao của toàn hệ thống. Để làm được điều đó, các ngân hàng, TCTD cần có sự phối hợp chặt chẽ, xem xét lại các vấn đề như khung thời gian xử lý nợ, tỷ lệ đồng thuận...; đồng thời lựa chọn tệp khách hàng làm thí điểm, thống nhất thực hành khung thỏa hiệp và dàn xếp đối với khách hàng có nguy cơ mất khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, điều cấp thiết là giải quyết về vấn đề chia sẻ dữ liệu, thông tin về tín dụng của từng ngân hàng, bởi đây là tài liệu có giá trị, giúp ngân hàng đàm phán và tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp.

“Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất khi hướng đến xử lý nợ xấu ngoài tòa là doanh nghiệp, giúp phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp khỏi tình trạng phá sản. Doanh nghiệp còn, ngân hàng tránh được tổn thất. Từ tâm huyết và kiến thức của các ngân hàng, các tổ chức hội viên, cùng sự hỗ trợ từ IFC, tôi tin rằng sẽ có cách giải quyết vấn đề vướng mắc để “giải cứu” vấn đề nợ cho các doanh nghiệp”, ông Quân chia sẻ.

Cũng trong phiên thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia quốc tế chia sẻ thêm kinh nghiệm thực tế từ Malaysia, Thái Lan..., trong đó có tình huống thực tế của ngành công nghiệp hóa dầu Thái Lan, có đề cập đến kinh nghiệm thực tiễn với phương thức tiếp cận, hành động sớm của Bangkok,… Bên cạnh đó, các đại diện của BIDV, VietinBank, TPBank, Shinhan Bank... cũng đã đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia IFC, cũng như chia sẻ về tình huống thực tế các TCTD tại Việt Nam đã và đang gặp phải, từ đó tham khảo thêm thông lệ quốc tế và kinh nghiêm thực tiễn để có thể áp dụng cho các TCTD tại Việt Nam, thực hiện khung tái cấu trúc nợ ngoài tòa hiệu quả.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ