Đánh giá tác động sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với kinh tế ASEAN và Trung Quốc

07/07/2024 - 19:12
(Bankviet.com) Hợp tác ASEAN và Trung Quốc đang đứng trước 3 thách thức lớn: Sự phân mảnh kinh tế toàn cầu; biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường; và tác động công nghệ mới
Ấn Độ và Việt Nam có lợi thế từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu Thăng hạng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Sáng 6/7, tại TP. Đà Nẵng diễn ra phiên khai mạc Cuộc họp nhóm làm việc trong khuôn khổ mạng lưới các viện nghiên cứu ASEAN – Trung Quốc do Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp với Đại học Ngoại giao Trung Quốc (CFAU) tổ chức với chủ đề “Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng”.

Đánh giá tác động sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với kinh tế ASEAN và Trung Quốc
Cuộc họp nhóm làm việc trong khuôn khổ mạng lưới các viện nghiên cứu ASEAN – Trung Quốc

Cuộc họp lần này là một trong những hoạt động thường niên của NACT và là dịp để chuyên gia, học giả các nước ASEAN và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN 20 năm đã đạt được những kết quả tích cực ở cả hình thành các chuỗi cung ứng và kim ngạch thương mại. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2023 đã tăng gần 12 lần so với năm 2003. Kể từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và ASEAN đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, kim ngạch thương mại năm 2023 ước đạt 911,7 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ASEAN, đặc biệt là hàng công nghiệp, linh kiện điện tử; là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) lớn thứ 3 của ASEAN. 44% vốn FDI Trung Quốc đầu tư vào sản xuất (khoảng 8,2 tỷ USD). Trung Quốc và ASEAN cũng có sự kết nối chuỗi cung ứng và công nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là những minh chứng cho mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và sự hội nhập liên tục của chuỗi cung ứng ASEAN – Trung Quốc, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng, bước vào thập kỷ hợp tác thứ ba, ASEAN và Trung Quốc đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là sự phân mảnh ngày càng rõ nét của nền kinh tế toàn cầu; các mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trưởng; tác động của biến đổi các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo.

Trước bối cảnh này, ASEAN và Trung Quốc có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội từ sự thay đổi của kinh tế toàn cầu.

Để tận dụng mối quan hệ đối tác và duy trì hợp hướng hợp tác, ASEAN và Trung Quốc nên tìm kiếm sự hài hòa và gắn kết giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, kế hoạch thổng thể về kết nối ASEAN 2025 và các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc. Khai thác tiềm năng các cơ chế hợp tác ASEAN – Trung Quốc hiện có như Kế hoạch hành động kết nối ASEAN – Trung Quốc 2.0, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP).

Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng cho biết, Việt Nam luôn cam kết tăng cường hợp tác và kết nối kinh tế ASEAN – Trung Quốc, hợp tác để tăng trưởng, cùng có lợi. Việt Nam đặt ra các ưu tiên cụ thể trong phát triển kinh tế, tập trung vào thu hút FDI chất lượng cao, hiệu quả và bền vững. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đặt mục tiêu thúc đẩy Đà Nẵng và nhiều thành phố ven biển tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đánh giá tác động sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với kinh tế ASEAN và Trung Quốc
Các đại biểu sẽ tập trung phân tích các xu hướng mới trong dịch chuyển chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và đánh giá tác động đối với kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN

Diễn ra trong 2 ngày 6 – 7/7/2024, cuộc họp sẽ tập trung phân tích các xu hướng mới trong dịch chuyển chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và đánh giá tác động đối với kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN. Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức đặt ra cho các nước ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh mới, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ khảo sát thực tế Cảng Đà Nẵng và trao đổi về những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực vận tải, logistics, xuất nhập khẩu… giữa ASEAN và Trung Quốc.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương