Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi cho công chức Quản lý thị trường

07/11/2023 - 02:11
(Bankviet.com) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong năm nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của ngành Quản lý thị trường.
Truyền thông - công cụ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng Quản lý thị trường Longform | Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường từng bước Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại

Sau 5 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục Quản lý thị trường luôn được Bộ Công Thương quan tâm, coi công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là một trong năm nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động của ngành. Ông Lê Quang Vịnh - Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi về công tác này với Báo Công Thương.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi cho công chức Quản lý thị trường
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là một trong năm nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động của ngành quản lý thị trường. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông đánh giá như thế nào về công tác bồi dưỡng, đào tạo công chức Quản lý thị trường?

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cùng với việc Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm tra kiểm soát thị trường, một trong những yêu cầu, giải pháp cơ bản, lâu dài với lực lượng Quản lý thị trường là phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ công chức toàn ngành.

Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với công chức quản lý thị trường là không ngừng rèn luyện học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi; nắm vững chính sách pháp luật, hiểu biết sâu về kinh tế xã hội để hoạt động thực thi công vụ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, kịp thời đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trước đòi hỏi đó, thời gian qua, nhất là trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra - kiểm tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành…

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi cho công chức lực lượng quản lý thị trường
Ông Lê Quang Vịnh - Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Trong quá trình thực hiện, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức Quản lý thị trường?

Lực lượng Quản lý thị trường là một trong các đối tượng thụ hưởng các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, do đặc thù chuyên môn là thực hiện chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nên luôn đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức của lực lượng phải có chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kiến thức về pháp luật. Vì thế, các khóa đào tạo, bồi dưỡng cần tổ chức thời gian dài, cũng như khối lượng nội dung đào tạo lớn.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ban hành, thời gian các khóa đào tạo, bồi dưỡng bị rút ngắn, khối lượng kiến thức đào tạo, bồi dưỡng bị co lại. Ngoài ra, nhiều chương trình tài liệu còn chưa theo kịp với yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường; đồng thời cơ sở vật chất tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu, gây khó khăn cho việc tham gia của đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức của ngành trên cả nước.

Đặc biệt, các khóa đào tạo, bồi dưỡng thường tổ chức vào các quý cuối năm, trong khi đây là khoảng thời gian cán bộ, công chức Quản lý thị trường có khối lượng công việc rất lớn, nên khó có thể bố trí thời gian phù hợp để tham gia các khóa, chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Vậy, thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Quản lý thị trường, ông có thể nêu một số kiến nghị, cũng như giải pháp đối với công tác này?

Trước hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Quản lý thị trường cần được duy trì và tổ chức thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng toàn ngành. Tuy nhiên, các chương trình, khóa đào tạo cần phải cập nhật kịp thời các kiến thức mới, phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của quản lý thị trường thường gắn với các quy định của pháp luật luôn có sự điều chỉnh, thay đổi.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ thống thư viện điện tử để cho mỗi cán bộ, công chức của ngành Quản lý thị trường nói riêng và cán bộ công chức của Bộ Công Thương có thể tham khảo, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cần có kiến thức, cũng như kinh nghiệm về sư phạm để có thể cung cấp kiến thức chuyên sâu, thực tế cho cán bộ, công chức.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng cho cán bộ Quản lý thị trường trong tương lai, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế quốc dân ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành Quản lý thị trường với mục tiêu đào tạo nên một lực lượng công chức Quản lý thị trường trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Vì thế, về lâu dài, thiết nghĩ, cần thúc đẩy hợp tác phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực Quản lý thị trường thông qua việc mở các khóa đào tạo tại các trường đại học, nhằm cung cấp, bổ sung được nguồn nhân lực Quản lý thị trường được đào tạo bài bản, đáp ứng kịp thời các đòi hỏi đối với sự phát triển của ngành trong tình hình mới.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương