Thoả thuận xanh EU: Động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam 88-93% doanh nghiệp xuất khẩu và chủ thể liên quan chưa biết về Thoả thuận Xanh EU |
Chính sách bao trùm, phức tạp
EU là điểm đến quan trọng của hàng hoá Việt Nam nhưng đây cũng là thị trường dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất và kinh doanh, phát triển xanh và tăng trưởng bền vững. Trong đó, theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thoả thuận xanh EU là một thách thức lớn.
Thoả thuận xanh EU là một gói chính sách tập hợp các quy định, tiêu chuẩn xanh với hàng hoá, sản xuất, kinh doanh của EU, do vậy có quy mô khổng lồ và rất phức tạp. Là gói chính sách nội bộ, Thỏa thuận xanh EU về lý thuyết chỉ áp dụng cho các chủ thể và các đối tượng (hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) trong khối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Thỏa thuận xanh EU cũng sẽ áp dụng cho các đối tượng ngoài EU, phổ biến là hàng hóa lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ và/hoặc tạo phát thải tại EU.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong số các mặt hàng chịu tác động sớm từ Thoả thuận xanh EU. Ảnh minh hoạ |
Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai Thỏa thuận xanh, EU đã có nhiều chính sách xanh đang và dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”; trong sản xuất chế biến có Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, còn có một số chính sách khác có phạm vi hẹp hơn nhưng cũng rất đáng chú ý như: Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới, Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng... Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận xanh EU đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, chính sách xanh của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam theo những cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”. Cùng đó là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng.
Với chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận xanh EU, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,...), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất...).
Bộ Công Thương đồng hành
TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, thách thức mà Thỏa thuận xanh đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan. Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận xanh và các chính sách, biện pháp thực thi không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian.
Đáng nói, không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Thách thức là vậy, nhưng đại diện VCCI cho hay, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU vẫn có thể khả thi với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU.
Một mặt, tất cả các chính sách xanh của EU đều được công khai dự thảo và tham vấn ý kiến công chúng trong một khoảng thời gian rất dài trước khi được quyết định thông qua. Kể cả khi có hiệu lực, các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước, với các yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài.
Mặt khác, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động. Đồng thời, một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà doanh nghiệp đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, do đó có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với doanh nghiệp.
Trước mắt, các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp, trong đó có việc tiếp cận sớm tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.
Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia...).
Để đáp ứng, theo chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình; có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, bảo đảm khả năng tuân thủ yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.
Cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu có.
Là đơn vị trực tiếp theo dõi, quản lý công tác xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nắm bắt xu hướng phát triển xanh của EU, trong đó có Thoả thuận xanh EU nhằm đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Cẩm Trang- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, bản thân các doanh nghiệp cần nhận diện được những khó khăn, thách thức về sản phẩm của mình đối với những quy định từ Thỏa thuận xanh EU. Trên cơ sở đó, Nhà nước và Chính phủ mới có thể hiểu doanh nghiệp cần hỗ trợ ở những khía cạnh nào để đồng hành.
Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, chính sách để thu hút đầu tư cũng như định hướng phát triển những dự án công nghiệp thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng thực hiện hàng loạt hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Trước hết, thông tin liên quan đến các quy định mới của EU cũng như của các nước liên quan đến xuất khẩu hàng hóa được cập nhật rất thường xuyên qua nhiều hình thức khác nhau.
Hải Linh