Theo thông báo, từ ngày 24/5-24/6, Đạt Phương sẽ mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã DPG12101 (được phát hành ngày 28/10/2021, đáo hạn ngày 28/10/2024, lãi suất 10,5%/năm). Trái phiếu có mệnh giá phát hành 300 tỷ đồng, đã mua lại 100 tỷ đồng và dư nợ hiện còn 200 tỷ đồng. Nguồn tiền mua lại từ dòng tiền nhàn rỗi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
DPG cho biết, công ty có dự nợ trái phiếu ngắn hạn là 200 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là 19 triệu cổ phiếu DPG thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo. Số tiền huy động ban đầu được cung cấp cho công ty con - CTCP Đạt Phương Hội An - thực hiện dự án Khu đô thị Cồn Tiến, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Trong khi đó, công ty không còn ghi nhận dư nợ trái phiếu dài hạn. Như vậy DPG sẽ sạch nợ trái phiếu sau khi mua lại lô trái phiếu trước hạn nói trên.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Đạt Phương đang sở hữu quỹ tiền mặt lên tới 1.652 tỷ đồng - chiếm 24,7% tổng tài sản. Dư nợ vay của công ty ở mức 2.538 tỷ đồng - tương đương 37,9% tổng nguồn vốn.
Đạt Phương thông báo về việc mua lại lô trái phiếu trước hạn |
Ở diễn biến khác, DPG vừa có động thái đáng chú ý khi quyết định góp vốn đầu tư thành lập Công ty CP Kính Đạt Phương, trong đó DPG nắm 73% vốn điều lệ, tương ứng 219 tỷ đồng. Hình thức góp vốn bằng tiền và thanh toán bằng ủy nhiệm chi - chuyển tiền vào tài khoản CTCP Kính Đạt Phương. Sau khi góp vốn, Tập đoàn Đạt Phương trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp mới này.
Bên cạnh đó, DPG cử ông Lương Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT và ông Đinh Gia Nội - Phó Tổng Giám đốc đại diện lần lượt 189 tỷ đồng (86,3%) và 30 tỷ đồng (13,7%) cho tổng số vốn góp của DPG tại Kính Đạt Phương.
Thời hạn ủy quyền quản lý phần vốn góp là 5 năm kể từ ngày CTCP Kính Đạt Phương được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Tính tới thời điểm 30/9/2023, Tập đoàn Đạt Phương có tổng 7 công ty con. Nếu thành lập Công ty Kính Đạt Phương thành công, DPG sẽ nâng tổng số công ty con lên thành 8.
Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương được biết đến là doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 12/3/2002, trụ sở tại Hà Nội. Vào năm 2018, Đạt Phương niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán là DPG.
Tập đoàn Đạt Phương hiện đang hoạt động chủ yếu trong 03 mảng: Xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, và mảng năng lượng (chủ yếu là thuỷ điện). Mảng xây lắp chiếm chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này (chiếm trên 80%), theo sau là mảng năng lượng (trên 16%), còn lại là mảng bất động sản.
Khu đô thị Cồn Tiến là một trong 4 dự án bất động sản được Quảng Nam thanh toán bằng quỹ đất cho Đạt Phương liên quan hợp đồng BT xây cầu Đế Võng |
Cuối năm 2023, DPG đã trúng Gói thầu CĐT-XL01 xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít. Đây là gói thầu thuộc dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 khu vực phía Nam. Giá trị hợp đồng Đạt Phương thực hiện hơn 612 tỷ đồng.
Đạt Phương cũng đang thực hiện khá nhiều gói thầu lớn như: Gói thầu XL1 của dự án thành phần 2 cầu Nhật Lệ 3 với giá trúng thầu 1.145 tỷ đồng; gói thầu số 10 của dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An với giá trúng thầu 2.088 tỷ đồng; Đê chắn sóng cảng Chân Mây…
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Đạt Phương là một trong những công ty xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá trong thời gian tới khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động đầu tư công với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Ở mảng bất động sản, Đạt Phương để lại dấu ấn đậm nét tại tỉnh Quảng Nam với 4 dự án Khu đô thị gồm: Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Bến Trễ - Đồng Nà, Khu đô thị Cồn Tiến và Khu đô thị Nồi Rang. Quỹ đất cả 4 dự án này được Quảng Nam thanh toán cho Đạt Phương sau khi công ty xây dựng cầu Đế Võng bằng hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao) giá trị 391 tỷ đồng.
Cao Thái