Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tầm vóc thời đại

23/02/2023 - 02:01
(Bankviet.com) Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tầm vóc thời đại.
Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trên Tạp chí Tiên Phong số 1 năm 1945 Chuỗi hoạt động điểm nhấn kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội).

Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tầm vóc thời đại

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta.

Một bộ phận tầng lớp trí thức "đêm trước cách mạng" tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. "Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có 4 quan điểm nổi bật. Một là, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai là, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Ba là, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững "ba nguyên tắc vận động", đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Bốn là, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần tiến hành tổng hợp các biện pháp công khai và bí mật, với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ "xây" và "chống".

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ có ý nghĩa đối với việc xây dựng một nền văn hóa mới, mà còn mang tầm vóc lớn hơn rất nhiều. Đề cương giống như ngọn đuốc trí tuệ thức tỉnh và tập hợp các lực lượng trong xã hội đứng vào hàng ngũ cách mạng do Đảng lãnh đạo để hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc, giành tự do cho đất nước.

Đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ phân tích tình hình văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ, đề ra những nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa mới trên tinh thần gìn giữ, cổ vũ cho những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chống lại các phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng, xa rời đại chúng mà quan trọng hơn Đề cương đã hình thành một hệ thống lý luận cơ bản của Đảng về văn hóa, về cách mạng văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới dân chủ, tiến tới là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa có giá trị lịch sử, vừa mang tầm vóc thời đại
Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đăng trên Tạp chí Tiên Phong số 1, năm 1945

Tám mươi năm đã trôi qua, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu khẳng định, cách đặt vấn đề của Đề cương về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, những nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa", phương châm "xây" và "chống" mềm dẻo, linh hoạt, … vẫn còn nguyên giá trị. “Chúng ta hội nhập quốc tế nhưng đồng thời cũng phải giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập chứ không hòa tan. Và trong quá trình hội nhập ấy, chính bản sắc văn hóa đã tạo nên sức mạnh mềm, góp phần định vị hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế” - PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu cho hay.

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt, chính sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đối với sự phát triển văn hóa trong thời gian vừa qua đã gia tăng các xung lực thúc đẩy văn hóa nước nhà phát triển.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển".

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu cho rằng, hội thảo là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm chấn hưng nền văn hóa dân tộc của toàn Đảng, toàn xã hội. Quán triệt tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo về Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới (2022), cũng như Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Quốc hội tổ chức vừa qua là một chuỗi các sự kiện mà một lần nữa làm gia tăng nhận thức của xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương