Chân dung Tân Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hồng Nam Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp nhận cáo trạng truy tố bà Nguyễn Phương Hằng Thu hồi hơn 1.200 tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng |
Không tán thành đổi mới TAND cấp tỉnh, huyện theo thẩm quyền xét xử
Chiều 9/11, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
"Hồ sơ dự án Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận" - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Về việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (Khoản 1 Điều 4), theo bà Lê Thị Nga, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành với dự thảo Luật, với lý do: việc “đổi tên gọi” chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi nội dung.
Các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử. Việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của các Tòa án này như Luật hiện hành đang quy định.
Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật để thể chế hóa Nghị quyết 27. Việc đổi mới các Tòa án nêu trên khẳng định đúng bản chất để bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; quan hệ giữa các Tòa án là quan hệ tố tụng, không phải là quan hệ hành chính và bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các cấp xét xử; việc đổi mới các Tòa án không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử và sự phối hợp công tác với cơ quan tư pháp cùng cấp.
Bổ sung quy định về độ tuổi để bổ nhiệm Thẩm phán
Về một số vấn đề liên quan đến Thẩm phán, bà Lê Thị Nga cho hay, về tuổi bổ nhiệm Thẩm phán (Khoản 2 Điều 95), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành bổ sung quy định về độ tuổi để bổ nhiệm Thẩm phán (trong tiêu chuẩn Thẩm phán) từ đủ 28 tuổi trở lên. Việc quy định này bảo đảm cho người được giới thiệu bổ nhiệm Thẩm phán có đủ thời gian hoàn thành các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của Luật này, trong đó có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên; vấn đề này được thực hiện lâu nay, cần luật hóa.
Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán đối với người do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến làm lãnh đạo Tòa án (Khoản 2 Điều 96), Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật đối với quy định: Trường hợp đặc biệt, người chưa đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 4 Điều 95 của Luật này được bổ nhiệm Thẩm phán nếu được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến làm lãnh đạo Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm…
Như vậy, người được cấp có thẩm quyền điều động đến làm lãnh đạo Tòa án thì không phải qua “đào tạo nghiệp vụ xét xử” theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 dự thảo Luật. Quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn hiện nay và bảo đảm công tác cán bộ của Đảng.
Về bố trí Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân tối cao (Khoản 2 Điều 46, Điểm i Khoản 2 Điều 94), Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật quy định tại Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán nhằm tăng cường năng lực, kinh nghiệm thực tiễn cho các Vụ chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao để tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tham mưu cho lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tham gia xét xử tại Tòa án khác phù hợp với bậc Thẩm phán đang đảm nhiệm. Quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn của ngành Tòa án nhân dân.
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật. Thẩm phán là chức danh tư pháp, không phải là người giữ chức vụ, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của Tòa án nhân dân. Dự thảo Luật quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán nêu trên để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tăng cường tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử và để Thẩm phán yên tâm công tác.
Về ngạch, bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (Điều 91), đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành về ngạch, bậc Thẩm phán như dự thảo Luật với lý do: Phù hợp với tính chất đặc thù công tác Tòa án; phù hợp với khối lượng công việc Tòa án các cấp đang đảm nhiệm, giải quyết.
Bên cạnh đó, khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc điều động Thẩm phán từ Tòa án cấp này đến Tòa án cấp khác làm nhiệm vụ công tác; bảo đảm chế độ, chính sách để Thẩm phán yên tâm công tác; tránh tâm lý của người dân không thực sự yên tâm khi cho rằng Thẩm phán sơ cấp hoặc trung cấp giải quyết công việc của họ; Thẩm phán được xét để nâng bậc (không phải qua kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán).
Một số ý kiến không tán thành với dự thảo Luật, với lý do: Quy định này chưa bảo đảm sự phân hóa về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác của các ngạch Thẩm phán; chưa phù hợp với quy định về ngạch của Luật Cán bộ, công chức, chưa đồng bộ với các chức danh tư pháp của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát.
Cơ quan soạn thảo chưa xây dựng được phương án toàn diện chuyển từ ngạch Thẩm phán sang bậc Thẩm phán, nhất là sắp xếp Thẩm phán theo bậc để tham gia xét xử tại từng cấp Tòa án; đồng thời chưa làm rõ cơ sở quy định bậc Thẩm phán. Do đó, đề nghị giữ quy định hiện hành về các ngạch Thẩm phán.
Về số lượng Thẩm phán, bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án (Khoản 5 Điều 92), tại Quyết định số 76 ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của các TAND giai đoạn 2022-2026. Quyết định này không quy định số lượng Thẩm phán trong tổng biên chế của các Tòa án.
Theo quy định của Luật hiện hành thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Thẩm phán các Tòa án (trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và cơ cấu tỷ lệ ngạch Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án. Do đó, đề nghị kế thừa quy định này của Luật hiện hành để quy định theo hướng: Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Thẩm phán Tòa án các cấp (trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án; cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án.
Quỳnh Nga