Siêu sân bay trọng điểm quốc gia 16 tỷ USD đang "nắng hạn" đón "cơn mưa rào"
Siêu dự án sân bay 16 tỷ USD vừa được “tiếp thêm lực” khi địa phương chủ quản phân khai thêm hàng trăm nghìn m³ vật liệu xây dựng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn tiến độ.
Sau nhiều tháng đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật liệu nghiêm trọng, dự án sân bay Long Thành vừa được “tiếp sức” khi tỉnh Đồng Nai xác nhận đã phân khai bổ sung gần 600.000 m³ đá xây dựng và điều chỉnh chủng loại đá theo yêu cầu kỹ thuật. Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ cho đại dự án hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương đã làm việc với Ban Quản lý Dự án sân bay Long Thành vào ngày 14/7, thống nhất phương án phân bổ và điều chỉnh nhằm đảm bảo đủ vật liệu xây dựng. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã phân khai tổng cộng gần 8,4 triệu m³ đá để phục vụ các công trình trọng điểm phía Nam. Trong số này, riêng dự án sân bay Long Thành được ưu tiên phân bổ tới 4,3 triệu m³.
Ngoài ra, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được phân khai gần 1,8 triệu m³, còn lại là cho các dự án hạ tầng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.HCM và tỉnh Long An làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP và Nghị quyết số 02/2025/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản, Đồng Nai đã cho phép nâng công suất khai thác thêm 50% tại 3 mỏ đá trọng điểm. Khối lượng khai thác tăng thêm gần 700.000 m³, cơ bản đủ để đáp ứng nhu cầu vật liệu của sân bay Long Thành và một số dự án khác trong vùng.
Tuy nhiên, việc nâng công suất cũng khiến tỉnh vướng phải yêu cầu từ Trung ương: Toàn bộ khối lượng tăng thêm chỉ được cung cấp cho dự án sân bay Long Thành. Trong khi đó, quá trình khai thác và chế biến đá thực tế luôn đi kèm với sản phẩm phụ mà nhà thầu tại sân bay không thể sử dụng hết.
Trước thực tế này, Đồng Nai đã đề xuất phương án linh hoạt: chỉ sử dụng phần chỉ tiêu khối lượng được cấp phép ban đầu (trước khi nâng công suất) để bù vào phần khối lượng đá không thể sử dụng tại dự án sân bay Long Thành. Phần dư còn lại sẽ được cấp cho các công trình sử dụng vốn ngân sách khác, nhưng tổng thể vẫn đảm bảo đúng cam kết – cấp đủ 100% khối lượng tăng thêm cho sân bay Long Thành.
Đây được xem là giải pháp thực tiễn và hài hòa giữa việc tuân thủ quy định và tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản.
Trước đó, vào tháng 5/2025, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từng lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu đá xây dựng tại dự án sân bay Long Thành. Dù nhu cầu trong năm nay ước khoảng 5 triệu m³, đến giữa tháng 5 mới chỉ có hơn 1,2 triệu m³ được đưa về công trường, gây khó khăn cho các nhà thầu trong giai đoạn thi công nền móng và hạ tầng kỹ thuật.
Sân bay quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn 5,45 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2026, công suất 25 triệu lượt khách/năm. Hai giai đoạn tiếp theo nâng dần công suất lên 50 triệu (giai đoạn 2) và 100 triệu lượt khách/năm (giai đoạn 3, sau năm 2035).
Khi hoàn thành, Long Thành không chỉ là cảng hàng không lớn nhất cả nước, mà còn là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.