Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Âu Thị Mai - đoàn Tuyên Quang |
Tại phiên họp, cơ bản các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với các nội dung được nêu trong dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An; qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy dự thảo nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ cả về căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như tính cấp thiết cần phải ban hành.
Theo đó, các đại biểu đồng tình với đề nghị của Chính phủ là trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.
Nêu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Âu Thị Mai - đoàn Tuyên Quang bày tỏ quan tâm đến chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi thành dự án độc lập (đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 55/2022/QH15).
Đại biểu nêu rõ, nhiều năm qua, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến nhiều dự án, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, chậm tiến độ, gây ra nhiều hệ lụy như bị đội vốn; các công trình giao thông dang dở trở thành lô cốt, nút thắt gây mất vệ sinh môi trường và bức xúc trong dư luận nhân dân.
Các nhà đầu tư, nhà thầu kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án. Nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng đã khởi công sau đó lại không triển khai được vì không giải phóng được mặt bằng. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi nên đến khi các dự án được khởi động lại thì đã đội vốn hoặc phát sinh các vấn đề liên quan khác.
Theo đó, đại biểu Âu Thị Mai đồng tình với việc giao cho tỉnh Nghệ An được thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.
"Nhiều địa phương khi thực hiện các dự án đầu tư công cũng đều vướng mắc ở khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng và tại các kỳ họp đã kiến nghị với Quốc hội xem xét vấn đề này" - đại biểu nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội luật hóa nội dung tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công để chính sách này được áp dụng rộng rãi cho các địa phương, trở thành động lực mới trong đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông và các dự án trọng điểm quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng - đoàn TP Đà Nẵng cho biết, đối với việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đều thấy việc này là cần thiết. “Vừa qua, trong phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thay mặt cho Chính phủ cũng nêu rõ là đang có dự kiến tổng kết vấn đề này và sẽ báo cáo xin chủ trương đề xuất với Quốc hội” - đại biểu nhắc lại.
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng - đoàn TP Đà Nẵng |
Ông Quảng cho hay, nếu chờ luật hóa nội dung này sẽ mất nhiều thời gian, để cho nhanh thì trên cơ sở tổ chức thí điểm của các địa phương trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Luật Đất đai năm 2024 yêu cầu là phải có dự án tái định cư trước khi thu hồi đất, có thể thống nhất đề xuất Quốc hội có một nghị quyết về vấn đề này và triển khai đồng thời với thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.
“Như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan, bảo đảm đồng bộ, bởi khó nhất hiện nay của chúng ta vẫn là câu chuyện về trình tự, thủ tục” - đại biểu đoàn Đà Nẵng chỉ ra.
Ngoài ra, liên quan các chính sách mới đề xuất, tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Về nội dung này, đại biểu Âu Thị Mai bày tỏ băn khoăn vì thực tế trên địa bàn cả nước có nhiều địa phương khó khăn về hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội cần được hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Trung ương, chẳng hạn như các tỉnh miền núi phía Bắc. Do đó, việc cho tỉnh Nghệ An được bố trí nguồn lực ngân sách trung ương cần bảo tính toán làm sao bảo đảm cân đối, hài hòa trong tổng thể chung.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, mức phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cần được xem xét căn cứ phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước khi tại khoản 3 Điều 40 của Luật quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động cụ thể về ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. “Nếu quy định như dự thảo Nghị quyết sẽ tạo ra sự thiếu công bằng giữa các địa phương, nhất là những địa phương miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn” - đại biểu nêu.
Tán thành chính sách đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tuy nhiên đại biểu Nguyễn Duy Minh - đoàn TP Đà Nẵng băn khoăn, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tối đa là 70% liệu đã đủ sức để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia chưa, nhất là đối với các dự án ở những địa bàn khó khăn như miền Tây Nghệ An thì lại càng khó thu hút.