Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara đã cùng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan.
Kỳ họp đã đánh giá toàn diện quan hệ hợp tác giữa hai nước và đề ra những phương hướng triển khai các thỏa thuận cấp cao, nhằm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, hai bên cũng đã chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Thái Lan tới Việt Nam, trong đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đón Thủ tướng Thái Lan và cùng chủ trì kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 Việt Nam-Thái Lan.
Hai bên đã nhất trí khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất, trên cơ sở tôn trọng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi.
Kể từ Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 4 (tháng 11/2021) tới nay, mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, nhưng hợp tác giữa hai nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, tin cậy chính trị gia tăng. Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc 20 tỷ USD từ năm 2022.
Hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như: Quốc phòng - an ninh, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch, tài chính, giao lưu nhân dân… tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai nước có số lượng cặp kết nghĩa địa phương nhiều nhất trong khu vực (19 cặp).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chúc mừng Thái Lan về việc Lễ hội truyền thống năm mới Thái Lan (Songkran) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và bày tỏ vui mừng được đến thăm Thái Lan vào đúng dịp lễ đặc biệt này.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Thái Lan trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan ở khu vực và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara. |
Hai bên nhất trí thúc đẩy các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các cơ chế hợp tác song phương; thúc đẩy rà soát và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước trên các lĩnh vực. Hai bên nhất trí thiết lập và triển khai gặp gỡ thường xuyên và định kỳ giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao nhằm kịp thời trao đổi về các vấn đề phát sinh và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận cấp cao.
Đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ song phương, hai bên nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp hai nước mở rộng kinh doanh và đầu tư; tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của hai nước thông qua việc hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn.
Hai bên cũng nhất trí tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử; thúc đẩy hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai nước, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò cầu nối đưa hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối tại Thái Lan, đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro, cấp phép và mở cửa thị trường cho một số loại trái cây tươi của Việt Nam (bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã nhất trí với việc tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế thông qua hợp tác và bổ trợ nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế mỗi nước. Đề xuất được đưa ra trong khuôn khổ chiến lược "Ba kết nối", với sự tập trung vào các dự án cụ thể như chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển hệ sinh thái ô tô điện và nông nghiệp công nghệ cao.
Hai bên nhất trí về việc cần tăng cường hiểu biết và gắn kết nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ hai nước, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan, mở rộng sang giao lưu giữa các nghị sỹ hai nước.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định sự ủng hộ cho Lào trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, thúc đẩy triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar.
Hai bên đã nhất trí phối hợp và cùng các thành viên ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Kết thúc kỳ họp, hai Bộ trưởng đã thông qua Biên bản Kỳ họp; cam kết sẽ phối hợp thúc đẩy triển khai hiệu quả tất cả các lĩnh vực hợp tác.
Thế Duy