Đề xuất quy định mới về bao thanh toán của tổ chức tín dụng

01/04/2024 - 17:26
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về bao thanh toán và dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư số 02/2017/TT-NHNN.
lai-suat-1-1049.jpeg

Hoạt động bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng, bao gồm bao thanh toán cho khách hàng là bên mua hàng và bên bán hàng; các dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán gồm các dịch vụ ngân hàng thực hiện thay cho đơn vị bao thanh toán bên bán hàng như: Quản lý, theo dõi sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan tới khoản phải thu của bên bán hàng; thu nợ đối với các khoản phải thu.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ bao thanh toán được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024, đảm bảo các TCTD vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động bao thanh toán, đồng thời bổ sung hướng dẫn các TCTD được cung ứng các dịch vụ liên quan đến bao thanh toán trên cơ sở tuân thủ quy định liên quan tại Luật Các TCTD năm 2024 về bao thanh toán và hoạt động cấp tín dụng, cụ thể:

(1) Hoạt động bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng, bao gồm bao thanh toán cho khách hàng là bên mua hàng và bên bán hàng;

(2) Các dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán: gồm các dịch vụ ngân hàng thực hiện thay cho đơn vị bao thanh toán bên bán hàng, như: Quản lý, theo dõi sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan tới khoản phải thu của bên bán hàng; thu nợ đối với các khoản phải thu.

Đánh giá tác động, NHNN cho rằng Dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về bao thanh toán so với cơ chế hiện hành về bao thanh toán quy định tại Thông tư 02/2027/TT-NHNN về: phạm vi, đối tượng, khái niệm bao thanh toán, đồng tiền bao thanh toán, kiểm tra, giám sát bao thanh toán, bao thanh toán bằng phương tiện điện tử, thủ tục thực hiện bao thanh toán bên bán, điều kiện đối với khách hàng là người không cư trú.

Về nguyên tắc có hoàn trả đối với khoản cấp tín dụng theo quy định tại Luật Các TCTD 2024, đối với trường hợp bao thanh toán bên bán, dự thảo Thông tư quy định đơn vị bao thanh toán có thể được hoàn trả từ khách hàng cấp tín dụng là bên bán hàng hoặc bên mua hàng. Trường hợp bên bán hàng không có cam kết hoàn trả, bên bán hàng phải thỏa thuận với bên mua hàng để bên mua hàng thực hiện các nghĩa vụ của bên bán hàng đối với đơn vị bao thanh toán. Đơn vị bao thanh toán phải thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng là bên mua hàng. Đồng thời, bên mua hàng phải cam kết bằng văn bản về việc thanh toán khoản phải thu và các chi phí khác có liên quan (nếu có) cho đơn vị bao thanh toán.

7 trường hợp không được bao thanh toán và 3 phương thức bao thanh toán

Dự thảo Thông tư nêu rõ có 7 trường hợp không được bao thanh toán đối với khoản phải thu, khoản phải trả gồm:

Một là, trường hợp phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.

Hai là, phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.

Ba là, phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc có điều khoản bù trừ công nợ.

Bốn là, phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Năm là, đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác.

Sáu là, đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Bảy là, đang có tranh chấp.

Về phương thức bao thanh toán, Dự thảo Thông tư đưa ra 3 phương thức gồm: bao thanh toán từng lần, bao thanh toán theo hạn mức và bao thanh toán hợp vốn.

Trong đó, bao thanh toán từng lần là mỗi lần bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán và khách hàng thực hiện thủ tục bao thanh toán và ký kết hợp đồng bao thanh toán.

Bao thanh toán theo hạn mức là đơn vị bao thanh toán xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức nợ bao thanh toán tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định và việc sử dụng hạn mức này. Mỗi năm ít nhất một lần, đơn vị bao thanh toán xem xét xác định lại hạn mức và thời gian duy trì hạn mức này.

Bao thanh toán hợp vốn là hai hay nhiều đơn vị bao thanh toán cùng thực hiện bao thanh toán đối với một hoặc một số khoản phải thu hoặc khoản phải trả của khách hàng, trong đó một đơn vị bao thanh toán làm đầu mối thực hiện việc tổ chức bao thanh toán hợp vốn.

Đồng tiền, lãi suất và phí bao thanh toán

Dự thảo Thông tư quy định đồng tiền với bao thanh toán bên bán hàng là đồng tiền của khoản phải thu. Còn đối với bao thanh toán bên mua hàng thì có thể là đồng tiền bao thanh toán là đồng Việt Nam hoặc đơn vị bao thanh toán được xem xét, quyết định bao thanh toán bằng ngoại tệ đối với khoản phải trả bằng ngoại tệ bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Đồng tiền trả nợ, trả lãi, phí bao thanh toán là đồng tiền bao thanh toán.

Điểm mới là dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về đồng tiền bao thanh toán theo hướng cho phép đơn vị bao thanh toán được xem xét, quyết định bao thanh toán bằng ngoại tệ đối với khoản phải thu bằng ngoại tệ; đối với khoản phải trả bằng ngoại tệ của khách hàng, đơn vị bao thanh toán được thực hiện bằng ngoại tệ nếu khách hàng là người không cư trú hoặc khách hàng là người cư trú thuộc đối tượng được vay ngoại tệ theo quy định về cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú.

Lý do sửa đổi là vì đối với bao thanh toán bên bán, về bản chất khoản tiền bao thanh toán chính là doanh thu trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Do đó, việc quy định khách hàng là bên bán sử dụng khoản tiền bao thanh toán để thanh toán, chi trả cho các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ sẽ gây khó khăn cho khách hàng. Ngoài ra, việc ứng trước bao thanh toán bằng đồng Việt Nam đối với các khoản phải thu bằng ngoại tệ gây rủi ro tỷ giá cho khách hàng.

Về lãi suất và phí bao thanh toán, Dự thảo Thông tư quy định lãi suất và phí bao thanh toán do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp thực hiện bao thanh toán hợp vốn, các bên tham gia bao thanh toán hợp vốn thỏa thuận mức phí bao thanh toán cho mỗi bên hợp vốn.

Khi đến hạn mà nợ, lãi bao thanh toán không được trả hoặc trả không đầy đủ theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi như sau:

Thứ nhất, lãi trên nợ bao thanh toán theo lãi suất bao thanh toán đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn bao thanh toán mà đến hạn chưa trả;

Thứ hai, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

Thứ ba, trường hợp nợ bao thanh toán bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên nợ bao thanh toán quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất bao thanh toán trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Trường hợp áp dụng lãi suất bao thanh toán điều chỉnh, đơn vị bao thanh toán và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất bao thanh toán. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất bao thanh toán khác nhau, thì đơn vị bao thanh toán áp dụng mức lãi suất bao thanh toán thấp nhất.

Điều kiện bao thanh toán và phương thức giải ngân

Dự thảo Thông tư bỏ nội dung quy định yêu cầu khách hàng (bên mua) phải ký quỹ 100% giá trị khoản phải trả là không thực tế, vì nếu khách hàng đã có đủ tiền ký quỹ thì sẽ không có nhu cầu bao thanh toán và chịu các chi phí tài chính, dịch vụ… Ngoài ra có trường hợp ngân hàng chỉ bao thanh toán/ứng trước một phần giá trị khoản phải trả (ví dụ 75-80%).

Cụ thể, dự thảo Thông tư nêu, đơn vị bao thanh toán xem xét, quyết định bao thanh toán khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau đây:

Đối với khách hàng là người cư trú: Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật; Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Nhu cầu sử dụng số tiền bao thanh toán vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có khả năng tài chính để trả nợ; Có phương án sử dụng vốn khả thi.

Đối với khách hàng là người không cư trú: Khách hàng là tổ chức; Nhu cầu sử dụng số tiền bao thanh toán vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có khả năng tài chính để trả nợ; Có phương án sử dụng vốn khả thi.

Trường hợp khách hàng là bên nhập khẩu: Khách hàng là tổ chức; Nhu cầu sử dụng số tiền bao thanh toán vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có khả năng tài chính để trả nợ; Có phương án sử dụng vốn khả thi; Khách hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; 100% giá trị của khoản phải trả được bảo lãnh thanh toán, bảo hiểm bởi bên thứ ba được bảo đảm bằng tiền gửi của khách hàng tại đơn vị bao thanh toán.

Về phương thức giải ngân, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về phương thức giải ngân để các TCTD thống nhất thực hiện. Theo đó, đối với bao thanh toán bên bán hàng, đơn vị bao thanh toán thực hiện giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đối với bao thanh toán bên mua hàng, đơn vị bao thanh toán thực hiện giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên bán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ