Đến nửa đầu tháng 9, xuất nhập khẩu cả nước đạt 464,08 tỷ USD

22/09/2023 - 23:04
(Bankviet.com) Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2023 đạt 464,08 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai duy trì ổn định Sau khi “chạm đáy”, xuất nhập khẩu đang dần khởi sắc

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2023 (1-15/9) đạt 28,07 tỷ USD, giảm 15,4% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 8/2023.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2023 đạt 464,08 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 62,82 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Đến nửa đầu tháng 9, xuất nhập khẩu cả nước đạt 464,08 tỷ USD
Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 320,01 tỷ USD, giảm 12,3%, tương ứng giảm 45,03 tỷ USD.

Kỳ 1 tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 222 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 20 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1, đạt 14,29 tỷ USD, giảm 21,6% so với kỳ 2. Như vậy, tính đến hết 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 242 tỷ USD, giảm 8,8% tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu kỳ 1 tháng 9/2023 đạt 13,78 tỷ USD, giảm 6,5%, tương ứng giảm 621 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: than các loại giảm 125 triệu USD, tương ứng giảm 40,4%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 112 triệu USD, giảm 6,1%...

Như vậy, tính đến hết 15/9/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 222,05 tỷ USD, giảm 15,1%, tương ứng giảm 39,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Thời điểm hiện tại cho đến cuối năm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực tuy nhiên dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường. Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.

Mặc dù vậy, có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam có sự chống chịu, có sự linh hoạt, hết sức chủ động trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam dần đã phát huy được sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm được thị trường mới, khai thác rất tốt các lợi thế từ các FTA.

Về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục hỗ trợ tối đa, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế,... qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.

Với mục tiêu tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp, như: doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí. Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin, nhu cầu, cũng như quy định mới của thị trường. Tiếp tục đàm phán và ký kết các FTA với các đối tác tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương