Theo đó, phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, SCS không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) các tài liệu sau: Nghị quyết HĐQT số SCSC21/HĐQT/BB/01 ngày 20/01/2021 thông qua kết quả kinh doanh năm 2020 và các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021; Nghị quyết HĐQT số SCSC21/HĐQT/BB/11 ngày 11/11/2021 thông qua kết quả kinh doanh năm 2022 để trình ĐHĐCĐ.
SCS bị UBCKNN xử phạt 295 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin. |
Phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông. Theo Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, SCS cho Công ty CP Gemadept (cổ đông lớn nắm giữ 31,83% số cổ phần có quyền biểu quyết) vay tiền với số dư tại ngày 31/12/2020 là 70 tỷ đồng; Theo Báo cáo tài chính quý 3 năm 2022, SCS cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải tổng hợp V.N.M (cổ đông nắm giữ 2,847% số cổ phần có quyền biểu quyết) vay tiền với số dư tại ngày 30/9/2022 là 150 tỷ đồng).
Phạt tiền 25 triệu đồng do không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên 2022.
Phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. SCS công bố thông tin không đầy đủ Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021: Tại mục VII – Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021 của Công ty không trình bày về danh sách người có liên quan của công ty và các giao dịch với người có liên quan.
Tổng mức hình phạt 295 triệu đồng, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/11/2022.
Được biết, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) được thành lập vào ngày 8/4/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. SCS hình thành từ sự góp vốn của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (12,9% cổ phần), Công ty CP Gemadept (31,8% cổ phần), Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41 (12,4% cổ phần) và các cổ đông trong ngoài nước khác.
Lĩnh vực kinh doanh chính của SCS bao gồm dịch vụ giao nhận hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, cho thuê văn phòng và cho thuê bãi đỗ tàu bay. SCS là doanh nghiệp được UBND TP.Hồ Chí Minh, Cục hàng không Việt Nam và Hải quan Việt Nam cấp phép xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Sân bay Tân Sơn Nhất và là nhà ga duy nhất của Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn quốc tế của IATA (Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế).
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2022, doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không này ghi nhận doanh thu thuần 201 tỷ đồng và lãi ròng 148 tỷ đồng, tăng tương ứng 17% và 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mảng kinh doanh của SCS có biên lợi nhuận cực kỳ cao. Cứ mỗi 100 đồng doanh thu, SCS mang về hơn 80 đồng lãi gộp.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, SCS còn ghi nhận 15 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay trong quý 3/2022, tăng 85% so với cùng kỳ. Đây cũng là Công ty hoạt động 100% dựa trên nguồn vốn tự có mà không vay nợ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SCS ghi nhận doanh thu thuần 655 tỷ đồng và lãi ròng 489 tỷ đồng, tăng tương ứng 14% và 21% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận trước thuế 527 tỷ đồng, SCSC đã hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận năm.
SCS cũng sở hữu bảng cân đối lành mạnh. Cuối quý 3/2022, doanh nghiệp hàng không này nắm hơn 900 tỷ đồng tiền mặt và khoản tiền gửi kỳ hạn, tăng mạnh so với mức 540 tỷ đồng đầu năm. Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả ở mức rất thấp 164 tỷ đồng, trong đó không có nợ vay tài chính.
Quỳnh Nga