Điểm tên 6 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vượt 3 tỷ USD 11 tháng năm 2023

03/12/2023 - 17:05
(Bankviet.com) 11 tháng năm 2023, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, tôm, hạt điều là các mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD.
Điểm tên 3 thị trường mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam Xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về 43,08 tỷ USD

11 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu 10,5 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 85,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 47,8 tỷ USD, nhập khẩu 37,3 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 10,5 tỷ USD, tăng 34%.

Nông lâm thủy sản đã hiện diện ở 180 thị trường
Nông lâm thủy sản Việt Nam đã hiện diện ở 180 thị trường

Trong đó, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước đạt 4,8 tỷ USD, đi ngang so với tháng 10 và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,8 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đã thực hiện được 89% mục tiêu năm 2023.

Đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng lâm sản, thủy sản, đầu vào sản xuất giảm sâu, chỉ có nhóm nông sản, sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng dương.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; xuất khẩu lâm sản đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất đạt 1,82 tỷ USD, giảm 18,9%.

Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1%.

Đóng góp vào giá trị tăng trưởng xuất khẩu nông sản phải kể đến mặt hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%. Tiếp đến là mặt hàng gạo với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%. Xuất khẩu hạt điều 11 tháng năm 2023 đạt con số 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%. Xuất khẩu sản phẩm từ ngũ cốc đạt 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%.

Với nhóm sản phẩm chăn nuôi, xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 453 triệu USD, tăng 23,5%.

Như vậy, 11 tháng năm 2023, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,11 tỷ USD; xuất khẩu rau quả đạt 5,32 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt 4,41 tỷ USD; xuất khẩu cà phê đạt 3,54 tỷ USD; xuất khẩu tôm đạt 3,38 tỷ USD; xuất khẩu hạt điều đạt 3,31 tỷ USD.

Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trong 11 tháng năm 2023 như sau: giá gạo đạt trung bình 568 USD/tấn, tăng 17,3%; giá chè đạt 1.750 USD/tấn, tăng 8,7%; giá cà phê đạt 2.570 USD/tấn, tăng 11,9%.

Ở chiều ngược lại, 11 tháng năm nay, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 37,3 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản giảm 9%, sản phẩm chăn nuôi giảm 5%, thủy sản giảm 3%, lâm sản giảm 28%... Trung Quốc, Brazil, Mỹ là ba thị trường cung cấp nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 8,1%; 8,1% và 7,9%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định hàng rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Mặt hàng này có thể về đích 5,8 - 6 tỷ USD trong năm 2023.

Với mặt hàng gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt gần 8 triệu tấn trong năm nay.

Trung Quốc là thị trường mua nhiều nông lâm thủy sản nhất của Việt Nam

Về thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Trong đó, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc 11 tháng năm 2023 chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch, tăng 18%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 17,9%; Nhật Bản chiếm 7,4%, giảm 9,1%.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa trong thời gian tới. Đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.

Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh rằng, để đón bắt cơ hội này, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Đồng thời, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của nước nhập khẩu.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương