Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 14/10/2023: Vàng trong nước điều chỉnh giảm; giá dầu đi lên Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 15/10/2023: Vàng vượt ngưỡng 71 triệu đồng/lượng; nho Trung Quốc 20.000 đồng/kg ngập chợ |
Sản xuất thép trong nước giảm 21,6%
9 tháng năm nay các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đạt 7,72 triệu tấn thép xây dựng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm lần lượt là 20% và 12,9%.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 16/10: Sản xuất thép trong nước giảm 21,6% |
Nhiều doanh nghiệp thép đã thua lỗ, chẳng hạn, doanh thu Công ty CP Thép Vicasa - VnSteel quý III/2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thua lỗ gần 3 tỷ đồng; Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và lỗ 491 triệu đồng...
Chiều ngược lại, trong 9 tháng năm 2023, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt 9,3 triệu tấn, trị giá 7,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Giá vàng hôm nay ổn định
Giá vàng trong nước rạng sáng nay 16/10 ổn định và duy trì quanh ngưỡng 71 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 69,7 triệu đồng/lượng mua vào và 70,72 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 69,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 71 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng Bảo Tín Minh Châu đang thu mua mức 69,75 triệu đồng/lượng và bán ra mức 70,68 triệu đồng/lượng.
Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Đặc biệt, sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để kích cầu tiêu dùng, các hệ thống siêu thị lớn đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá.
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm 11,9%
Từ đầu năm đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 341 tỷ USD, giảm 11,9% (tương ứng giảm hơn 46 tỷ USD).
Dù giảm sâu nhưng doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn 68,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Các doanh nghiệp FDI góp mặt và chiếm ưu thế trong tất cả các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Về xuất khẩu của các doanh nghiệp này, từ ngày 15 - 30/9 đạt 11,96 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 1,37 tỷ USD so với nửa đầu tháng 9.
Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 208 tỷ USD, giảm 9,3% (tương ứng giảm hơn 19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam có xu hướng giảm
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Tính đến hết năm 2022, nợ công tương đương 37,4% GDP, nợ nước ngoài khoảng 36,1% GDP.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức vay của Chính phủ đạt 42,9% kế hoạch. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 53,3% kế hoạch. Việc rút vốn các khoản Chính phủ vay về cho vay lại đảm bảo trong hạn mức. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ năm 2021, năm 2022, năm 2023 đảm bảo mục tiêu 9 - 11 năm, theo Nghị quyết 23/2021/QH15. Tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh chính phủ năm sau đảm bảo không vượt quá tốc độ tăng GDP danh nghĩa năm trước.
Các khoản vay chính phủ bảo lãnh cho dự án đầu tư chưa sử dụng đến hạn mức rút vốn ròng. Tổng mức vay của ngân sách địa phương đạt 26,3% kế hoạch được Quốc hội phê duyệt. Nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương đạt 41,1% kế hoạch Quốc hội phê duyệt. Các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm giai đoạn 2021 - 2023 đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được phê duyệt.
Xuất khẩu hàng hóa tăng hơn 2 tỷ USD
Xuất khẩu hàng hóa nửa cuối tháng 9 đạt 16,3 tỷ USD, tăng hơn 14% (tương ứng tăng 2 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 9.
Cũng trong nửa cuối tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 30,85 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,78 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2023.
Trong đó, xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 2,01 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2023. Xuất khẩu tăng ở một số nhóm hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; hàng dệt may; giày dép; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải, phụ tùng và đặc biệt là rau quả...
Hà Nội đề xuất xây thêm 5 cầu vượt sông
TP. Hà Nội vừa thống nhất với các tỉnh lân cận, trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng thêm 5 cầu vượt qua sông Hồng, sông Đà.
Theo vị trí địa lý và địa hình, trong 22 dự án trên, có 5 dự án phải xây cầu qua các sông lớn như sông Hồng, sông Đà.
Việc hình thành các cây cầu bắc qua sông không những tạo thuận lợi về kinh tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, thể hiện tầm nhìn hướng tới tương lai.
Thanh Tâm