Phiên giao dịch ngày 6/8, cùng với đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE) cũng hút mạnh dòng tiền, có lúc chạm giá trần và kết phiên tăng 5,65%, thanh khoản đạt hơn 4,8 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, trước phiên hôm nay, cổ phiếu HBC trải qua chuỗi ngày khá dài trong trạng thái liên tiếp nằm sàn. Cụ thể, cổ phiếu này đã có tới 5 phiên nằm sàn trong vòng 6 phiên giao dịch gần nhất. HBC ngắt chuỗi nằm sàn ngay sau thông tin lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu công ty.
Cổ phiếu HBC bất ngờ hút mạnh dòng tiền phiên 6/8 |
Cụ thể, trong thông báo mới đây, ông Lê Viết Hưng, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu HBC để bổ sung vào danh mục đầu tư cá nhân. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 5/8 đến ngày 3/9/2024 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu giao dịch hoàn tất, lượng cổ phiếu HBC mà ông Hưng nắm giữ sẽ tăng lên gần 1,4 triệu đơn vị, tương đương với 0,39% vốn cổ phần của công ty. Được biết, ông Lê Viết Hưng là anh ruột của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Hiện tại, ông Hải đang sở hữu gần 47 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 13,53% vốn cổ phần.
Cổ phiếu HBC bất ngờ quay đầu bật tăng mạnh cùng động thái gom mạnh cổ phiếu của ông Hưng gây khá nhiều bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh cổ phiếu của công ty đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện hủy niêm yết bắt buộc.
HoSE đã đưa ra quyết định trên do báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của HBC ghi nhận khoản lỗ sau thuế chưa phân phối lên tới 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hưng là anh ruột của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình |
Ngay sau đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã gửi văn bản phúc đáp Công văn của HoSE liên quan đến việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC. Theo đó, Hòa Bình khẳng định không đồng ý với các căn cứ HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.
Công ty này dẫn điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất hay trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng.
Theo tập đoàn này, hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này. Đối với trường hợp của Tập đoàn Hòa Bình, vốn điều lệ của hơn 2.741 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 là hơn 2.401 tỷ đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là hơn 3.240 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số lỗ luỹ kế của tập đoàn trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Theo Tập đoàn Hòa Bình, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trước đây Quy chế Niêm yết Chứng khoán tại HoSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/03/2018 có hướng dẫn về việc căn cứ vào Báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Tập đoàn Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.
Tuy nhiên, ngày 31/3/2022, Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV để thay thế Quy chế Niêm yết Chứng khoán tại HoSE.
Theo đó, quy chế mới đã bỏ quy định nêu trên của quy chế cũ. Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng), nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải là quy định pháp luật hiện hành thì đều là không phù hợp quy định pháp luật.
"Ban lãnh đạo công ty ý thức được các hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu HBC, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng ngàn người lao động đang phụ thuộc kinh tế vào công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1.400 nhà cung cấp, nhà thầu phụ với hằng trăm ngàn nguời lao động của các doanh nghiệp này. Do đó, Tập đoàn Hòa Bình tha thiết mong HoSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu HBC" - lãnh đạo tập đoàn này đề nghị.
Cổ phiếu HBC rời HOSE về UPCoM có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông? Trước lo ngại của nhiều cổ đông về việc biên độ giao động trên UPCoM lớn càng đẩy giá cổ phiếu HBC giảm mạnh thêm ... |
Không “cam chịu” việc bị hủy niêm yết bắt buộc, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đưa lý do phản đối Xây dựng Hòa Bình cho rằng việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết ... |
Doanh nghiệp hủy niêm yết: Khi niềm tin bị "đánh cắp" Trước HNG và HBC, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết, phải trở lại UPCoM, gần đây ... |
Lưu Lâm