Diễn biến VN-Index sau các đợt giảm điểm lớn của chứng khoán Việt Nam

15/04/2025 - 05:22
(Bankviet.com) Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá mức thuế 46% của Mỹ là cú sốc tâm lý lớn, nhưng chưa quá tiêu cực cho thị trường Việt Nam. Mặc dù VN-Index đã có phản ứng tiêu cực ban đầu, nhưng nếu xét theo các sự kiện lịch sử lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam thường hồi phục sau 1 tuần đến 1 tháng.
Báo cáo - Phân tích

Diễn biến VN-Index sau các đợt giảm điểm lớn của chứng khoán Việt Nam

Khánh Vân 08/04/2025 15:20

Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá mức thuế 46% của Mỹ là cú sốc tâm lý lớn, nhưng chưa quá tiêu cực cho thị trường Việt Nam. Mặc dù VN-Index đã có phản ứng tiêu cực ban đầu, nhưng nếu xét theo các sự kiện lịch sử lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam thường hồi phục sau 1 tuần đến 1 tháng.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra cái nhìn toàn diện về tác động của chính sách áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ, được công bố bởi Tổng thống Donald Trump vào ngày 2/4/2025. Dù là một cú sốc bất ngờ về mặt tâm lý và thị trường, nhưng BSC cho rằng đây chưa phải là “hồi kết”, mà hoàn toàn có khả năng đàm phán, điều chỉnh và tìm ra giải pháp cân bằng hơn giữa hai quốc gia.

Theo thống kê của BSC, thuế quan trung bình đơn giản mà Việt Nam áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ ở mức 9%, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác như Ấn Độ (13,7%), Thái Lan (9,2%). Điều này cho thấy Việt Nam không phải là quốc gia “thù địch” về thương mại và vẫn đang duy trì chính sách mở cửa, linh hoạt trong hội nhập.

ck.jpg
Chỉ có khoảng 5,5% vốn hóa HOSE là các Doanh nghiệp có xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tuy nhiên, việc bất ngờ bị áp mức thuế cao tới 46% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI vốn chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu. Việc hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh so với đối thủ cùng ngành tại các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến doanh thu, lợi nhuận, thậm chí cơ hội mở rộng của các doanh nghiệp.

Tác động lan tỏa: từ doanh nghiệp đến tỷ giá, FDI và chuỗi cung ứng

Khi cuộc chiến thương mại bùng nổ, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và suy thoái kinh tế toàn cầu không thể xem nhẹ. Theo phân tích của BSC:

Dòng vốn FDI và cả vốn đầu tư gián tiếp (FII) có thể rút khỏi các quốc gia trung tâm sản xuất như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.

Tỷ giá VND/USD chịu áp lực tăng nhưng được đánh giá là không kéo dài, nhờ kỳ vọng FED khó có khả năng tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy yếu và áp lực từ suy thoái gia tăng.

Mức thuế 46% vẫn là kịch bản xấu nhất, hoàn toàn có thể được đàm phán lại, và Việt Nam đã bắt đầu chủ động hành động ở nhiều cấp độ.

Theo BSC, mặc dù VN-Index đã có phản ứng tiêu cực ban đầu, nhưng nếu xét theo các sự kiện lịch sử lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam thường hồi phục sau 1 tuần đến 1 tháng:

Sự kiện HD981 năm 2014: thị trường rơi mạnh nhưng lập đáy chỉ sau 2-3 phiên giao dịch.

bsc(1).png
Nguồn: BSC

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018: Thị trường chứng khoán giảm mạnh do áp lực bán tháo từ các thị trường trên thế giới do lo ngại từ FED có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục lại sau 7 phiên giao dịch, quá trình hồi phục bắt đầu từ 9/2/2018 - 21/2/2019. Thị trường hồi phục tăng trở lại 9% trước khi chính thức bước vào đợt bear market tạo đỉnh vào ngày 10-11/4/2018 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, áp lực tỷ giá, vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán. Chuỗi giảm điểm trong bear market này chứng kiến nhiều phiên giảm từ 2-3,8%, không có những pha giảm điểm sốc trên 4%.

Giai đoạn COVID-19 năm 2020: VN-Index bước vào bear market, sau phiên giảm 12/3/2020. Market chính thức tạo đáy vào phiên 30-31/3/2020 và bắt đầu chu kỳ tăng mạnh mẽ sau đó.

Theo ước tính, chỉ khoảng 5,5% vốn hóa sàn HOSE là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, mức thuế áp lên từng nhóm ngành là khác nhau, nên không thể đánh đồng toàn thị trường đều bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần biết sàng lọc và lựa chọn doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt.
Theo đó, BSC khuyến nghị nhà đầu tư: Thận trọng trong việc sử dụng margin, đặc biệt nếu đang nắm giữ cổ phiếu ở vùng giá cao.

Tập trung vào doanh nghiệp có thị trường nội địa mạnh, ít phụ thuộc xuất khẩu sang Mỹ, hoặc nằm trong các ngành phòng thủ như điện, nước, bán lẻ thiết yếu.

Quan sát kỹ vùng hỗ trợ của thị trường (quanh 1.160 điểm) và chờ tín hiệu xác nhận trước khi giải ngân trở lại.

Trong khi cú sốc thuế quan là một đòn mạnh về mặt tâm lý và dòng vốn ngắn hạn, Việt Nam vẫn có khả năng đàm phán, với các lợi thế về tỷ lệ thuế nhập khẩu thấp, nền kinh tế ổn định, tiềm lực nội tại mạnh, và sự chủ động từ phía Chính phủ. Nhà đầu tư không nên hoảng loạn, mà cần nhìn dài hạn, tái cơ cấu danh mục hợp lý và kiên nhẫn quan sát diễn biến chính sách trong thời gian tới.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán