Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2022: Kích hoạt những cơ hội mới

03/11/2022 - 20:59
(Bankviet.com) Hoạt động M&A đã phục hồi tích cực trên phạm vi toàn cầu và dự báo lạc quan trong năm 2022. Đó là thông tin được đưa ra tại họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2022.
Diễn đàn M&A 2018: Dấu mốc quan trọng Thị trường M&A Việt Nam: Dự báo tiếp tục sôi động Diễn đàn M&A Việt Nam 2019: “Thay đổi để bứt phá”

Tổng giá trị M&A 10 tháng đạt 5,7 tỷ USD

Theo thông tin chia sẻ từ buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2022 do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 3/11 cho thấy, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2022: Kích hoạt những cơ hội
10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021

Cụ thể, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.

Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Trong năm 2021, các quỹ này đã đầu tư hơn 2.000 tỷ USD và còn dự trữ hàng ngàn tỷ USD để sẵn sàng chốt các thương vụ đầu tư mới.

Riêng tại thị trường Việt Nam, theo dữ liệu từ KPMG,10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).

Tuy nhiên, tương tư năm 2021, các giao dịch M&A tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: Tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Triển vọng nào trong năm 2023?

Mặc dù thị trường M&A toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sự chững lại, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, nhiều yếu tố cho thấy, thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ sớm sôi động trở lại nhờ vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo tích cực.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam: Việt Nam vẫn đang được đánh giá là điểm sáng kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP được dự báo đạt từ 7,5-8% trong năm 2022, năm 2023 có thể đạt mức 6,5%. Đây là dự báo tương đối lạc quan và tạo cơ hội cho thị trường M&A trong nước trong năm 2022 và năm 2023.

Theo đó, những lĩnh vực tạo sức hấp dẫn với các thương vụ M&A được ông Nguyễn Công Ái nhắc đến là: Dịch vụ tài chínhngân hàng, lĩnh vực này hiện đang có nhiều thương vụ đàm phán trong năm nay là dự kiến sẽ đi đến chốt vào năm 2023. Ngoài ra các lĩnh vực liên quan đến bán lẻ cũng trở nên hấp dẫn các thương vụ M&A trong năm 2023.

Một tín hiệu lạc quan nữa được ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhắc đến đó là: Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp như phát triển các loại thị trường như: Thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường trái phiếu, chứng khoán… nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động kinh tế nói chung của từng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu khẳng định: Nếu những nội dung trong Nghị quyết được thực thi đúng, tốt và đầy đủ thì Việt Nam sẽ có một nền kinh tế chất lượng, và sẽ tạo ra những tác động tích cực cho thị trường vốn, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường M&A phát triển.

Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2022: Kích hoạt những cơ hội
Tài chính ngân hàng và bán lẻ sẽ là những lĩnh vực hấp dẫn M&A trong năm 2022

Trong khi đó, theo ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư: Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài. Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại.

Đặc biệt, sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ đầy sáng tạo khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên dường như kém hiệu quả hơn…

Từ những phân tích đó, ông Lê Trọng Minh đặt câu hỏi, phải chăng sự sút giảm về tổng giá trị các thương vụ M&A mà chúng ta đang thấy chỉ mang tính nhất thời, và đây chính là lúc để hoạt động M&A thể hiện tính ưu thế trong việc giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển của mình, vì vậy thị trường M&A tại Việt Nam hiện chỉ đang như một chiếc lò xo bị nén chặt, chỉ chờ cơ hội bật lên mạnh mẽ?.

Tuy được đánh giá hồi phục và có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2023, song để thị trường M&A Việt Nam thật sự tạo được sức hút đối với nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.

Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới” sẽ diễn ra vào ngày 23/11 tới tại TP.Hồ Chí Minh. Diễn đàn sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như những người đang rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư và thông tin về thị trường M&A tại Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương