Điện Gia Lai (GEG) sắp nhận hồi tố gần 400 tỷ đồng từ EVN, đặt mục tiêu lãi 2025 gấp hơn 4 lần
Điện Gia Lai (GEG) sắp nhận khoản hồi tố gần 400 tỷ đồng từ EVN cho dự án điện gió Tân Phú Đông 1, tạo nền tảng cho mục tiêu lợi nhuận trước thuế 777 tỷ đồng trong năm 2025.
Kế hoạch tham vọng
Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 dự kiến diễn ra vào ngày 29/4 tới, Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) cho thấy tham vọng lớn trong năm tài chính sắp tới với các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, doanh thu năm 2025 được GEG đặt mục tiêu đạt gần 3.400 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm 2024. Trong đó, nguồn thu lớn nhất tiếp tục đến từ mảng điện gió, ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Điện mặt trời, bao gồm cả hệ thống áp mái và trang trại, dự kiến đóng góp 864 tỷ đồng, trong khi thủy điện mang về khoảng 364 tỷ đồng – tương ứng mức tăng trưởng 11%.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng sẽ vọt lên mức 777 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kết quả đạt được trong năm trước. Con số tăng trưởng ấn tượng này phần lớn nhờ một bước ngoặt quan trọng liên quan đến Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ1) tại Tiền Giang.
Điện gió Tân Phú Đông 1: Cú chuyển mình của GEG
Dự án Tân Phú Đông 1 có công suất 100 MW, đã đi vào vận hành thương mại từ ngày 31/5/2023. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, GEG mới chỉ được thanh toán tạm thời 50% giá trần theo khung giá phát điện, gây áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp.
Tình hình chỉ thực sự thay đổi vào ngày 26/3/2025, khi GEG chính thức ký phụ lục hợp đồng mua bán điện theo cơ chế giá chuyển tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, mức giá cố định được áp dụng là 1.813 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh, chưa bao gồm VAT), bằng 99,8% mức giá trần do Bộ Công Thương quy định.
Điều đáng chú ý là mức giá mới không chỉ áp dụng từ thời điểm ký kết mà còn được hồi tố cho toàn bộ sản lượng phát điện từ ngày COD. Theo tính toán sơ bộ của công ty, khoản chênh lệch do hồi tố có thể lên tới 397 tỷ đồng – một con số đáng kể đóng góp vào mục tiêu lợi nhuận 777 tỷ đồng của năm nay.
Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (bao gồm phần được hồi tố) được ước tính đạt khoảng 443 tỷ đồng. Ngoài ra, GEG còn kỳ vọng sẽ ghi nhận thêm lợi nhuận từ thương vụ thoái 25% vốn tại Công ty CP Thủy điện Trường Phú – dự kiến hoàn tất trong quý II năm nay.
Để đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra, GEG cho biết sẽ tập trung tối ưu hóa vận hành các nhà máy hiện hữu ở cả ba mảng: thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy nhanh quá trình đàm phán giá điện còn tồn đọng và hoàn tất thi công Nhà máy Thủy điện Ea Tih.
Song song với đó, GEG sẽ rà soát lại danh mục đầu tư, lựa chọn các dự án phù hợp với điều chỉnh của Quy hoạch điện VIII, cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới khi điều kiện tài chính và thị trường thuận lợi hơn.
Chi trả cổ tức và thay đổi nhân sự HĐQT
Trong tờ trình gửi cổ đông, GEG cũng đưa ra phương án chi trả cổ tức cho năm 2025 dành cho cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi được phát hành từ năm 2022. Mức chi trả dự kiến là 6%, sau điều chỉnh theo quy định.
Đáng chú ý, công ty dự kiến mua lại hơn 7,7 triệu cổ phiếu ưu đãi trong tổng số 64,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, với giá mua tối đa là 10.936 đồng/cổ phiếu – thấp hơn khoảng 20% so với thị giá cổ phiếu GEG tại thời điểm ngày 8/4.
Về mặt nhân sự, Đại hội đồng cổ đông lần này sẽ bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020–2025, thay thế cho hai thành viên đã kết thúc nhiệm kỳ là ông Tân Xuân Hiến và bà Phạm Thị Khuê.