Điều gì đang diễn ra với chứng khoán Việt Nam?

06/08/2024 - 13:46
(Bankviet.com) VN-Index bất ngờ giảm mạnh gần 50 điểm ngay phiên giao dịch đầu tuần, tâm lý bi quan khiến sắc đỏ lan rộng toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index đã có một phiên giao dịch đầy biến động khi hòa chung nhịp giảm cùng các thị trường chứng khoán toàn cầu. Áp lực bán mạnh mẽ đã khiến chỉ số mất hơn 48 điểm khi đóng cửa. Kết phiên 5/8, VN-Index giảm 48,53 điểm (tương ứng 3,92%) đạt mức 1.188,07 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt 942 triệu cổ phiếu, tăng hơn 43% so với phiên trước và đạt 21.258 tỷ đồng về giá trị. Phiên hôm nay số mã giảm gần như áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng với 448 mã giảm, trong đó có 92 mã sàn và 24 mã tăng.

Trong đó, nhóm bất động sản (DXG, SZC, VGC, HDG,…), ngân hàng (MSB, HDB, TCB, TPB,…), chứng khoán (VND, VCI, HCM, SSI,…), thủy sản (ASM, ANV, CMX, VHC,…) là nhóm có diễn biến tiêu cực khi ghi nhận mức giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn giữ được sắc xanh cho thị trường như EIB, BSI, FTS, SKG,…

Điều gì đang diễn ra với chứng khoán Việt Nam?
Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh trong phiên chiều 5/8 khiến VN-Index rơi xuống mốc 1190 điểm. Hiện tượng trượt giá không có tín hiệu chững lại và có nhiều mã đã giảm xuống giá sàn

Theo chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long - Nhà sáng lập và CEO của AFA Group đưa ra nguyên nhân thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay 5/8.

Trước tiên, nhìn về thị trường chứng khoán quốc tế, cuối tuần trước (2/8), chỉ số S&P 500 giảm 1,84%, còn 5.346,56 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 610,71 điểm, tương ứng giảm 1,51% còn 39.737,26 điểm, sau khi chạm đáy của phiên ở thời điểm giảm 989 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,43%, còn 16.776,16 điểm. Phiên giảm này khiến Nasdaq mất hơn 10% so với mức kỷ lục gần đây nhất, đồng nghĩa chỉ số đã rơi vào trạng thái điều chỉnh.

Ông Phan Lê Thành Long
Ông Phan Lê Thành Long

Đặc biệt, kết thúc phiên hôm nay (5/8), Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa với mức giảm 4.389,5 điểm, tương ứng 13,47%. Kospi của Hàn Quốc giảm 234,62 điểm, tương ứng 8,77%.

Theo ông Phan Lê Thành Long, nguyên nhân chứng khoán giảm điểm trong phiên hôm nay, đầu tiên là rủi ro tiềm ẩn trong nền tảng chất lượng lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không được như kỳ vọng.

Thứ hai là định giá 1 số cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua đã tăng hơi thái quá, cả chứng khoán Việt Nam và thế giới, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ, đây là sức ép lớn lên thị trường chứng khoán.

Đặc biệt phiên cuối tuần trước (2/8) giảm điểm mạnh của chứng khoán Mỹ và báo cáo việc làm không mấy tích cực, theo đó giới đầu tư đang lo ngại sự suy thoái của Kinh tế Mỹ, điều này có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam.

Nền tảng kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP 6,93%, trong bối cảnh tiêu dùng trong nước có tăng trưởng nhưng chưa có sự bứt phá, đầu tư tư nhân yếu, do đó đà tăng trưởng đến chủ yếu từ FDI và xuất khẩu. Theo đó, với thị trường trọng điểm như Mỹ suy yếu thì sẽ tác động đến Việt Nam. Ngoài ra còn có yếu tố cộng hưởng như một vài chỉ số chỉ số Chứng khoán khác nữa khiến cho VN-Index giảm điểm mạnh trong phiên hôm nay.

Ông Long đánh giá, nền tảng thị trường vẫn đang ở mức trung tính, chứ chưa phải ở mức yếu để NĐT phải lo ngại một cách thái quá. Trong bối cảnh hiện nay, rủi ro luôn đi kèm với cơ hội, NĐT quản trị danh mục tốt thì sẽ nhìn thấy cơ hội, thay vì rủi ro. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán Việt Nam đang là thị trường cận biên nên quán tính tăng hoặc giảm sẽ lớn hơn.

Về xu hướng thị trường, VN-Index có nền tảng phục hồi tốt về một số ngành nghề. Nhìn về kịch bản dài hạn thì đà tăng của VN-Index khá bền vững, thay vì lo ngại về yếu tố nội tại khiến VN-Index giảm quá sâu.

Về vấn đề vĩ mô, nhà sáng lập AFA Group cho rằng, rủi ro địa chính trị tác động lớn đến thị trường hàng hóa, đường vận tải biển, từ đó dẫn đến suy thoái kinh tế. Tại Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống cũng sắp diễn ra, các chính sách hỗ trợ an ninh quốc phòng và kinh tế sẽ bị xáo trộn. Fed đang giảm lãi xuất chậm so với kỳ vọng.

“Suy thoái kinh tế tại Mỹ chưa diễn ra nhưng suy giảm sẽ có. Tốc độ tiêu dùng chậm lại, thị trường nhà ở BĐS chờ yếu tố lãi suất, và một thị trường người dân trong sự chờ đợi sẽ bị đình trệ nhất định. Chờ những tháng cuối năm, khi đó NĐT cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất, giá nhà sẽ lên. Vì tại Mỹ, mức độ nhạy cảm với thị trường nhà ở đối với lãi suất cao. Theo đó, không kỳ vọng mọi thứ quá xấu với kinh tế Mỹ nhưng mức độ suy giảm sẽ có và sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong phiên giao dịch 5/8, đồng yen của Nhật Bản ghi nhận mức tăng cao trở lại, đặc biệt đà tăng diễn ra thời gian gần đây gây ra làn sóng thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Đặc biệt là động thái bán tháo của nhóm cổ phiếu công nghệ. Xét từ đầu năm 2024 đến nay là nhóm kéo chỉ số ở nhiều thị trường tăng mạnh như Nasdaq của Mỹ, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đây là những thị trường mà nhóm cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng vốn hóa cao nên xảy ra tình trạng giảm mạnh. Thị trường Nhật Bản nói riêng cũng như thị trường toàn cầu nói chung diễn biến tiêu cực khiến nhà đầu tư Việt Nam rơi vào hiệu ứng "Domino", bán cổ phiếu theo quán tính. Chỉ số VN-Index phiên hôm nay giảm mạnh cũng bởi làn sóng này.

Điều gì đang diễn ra với chứng khoán Việt Nam?

"Thực tế, nhà đầu tư đang khá hoảng loạn, "bỏ chạy" theo làn sóng bán tháo tài sản toàn cầu bất chấp tình hình vĩ mô tốt, nội tại doanh nghiệp ổn định. Việc chỉ số mất mốc 1.200 điểm đã kích hoạt đà bán tháo trên thị trường Việt Nam, cộng thêm áp lực về margin càng khiến thị trường giảm sâu", Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta nêu quan điểm.

Nhìn lại định giá thị trường, những lần VN-Index về mốc 1.200 điểm, P/E của thị trường rơi về quanh mức 10 lần. Lịch sử cho thấy khi P/E rơi về mức 10 lần có khả năng là vùng đáy của thị trường. Mặt khác, câu chuyện cơ bản của doanh nghiệp hấp dẫn hơn rất nhiều. Dù áp lực giảm điểm vẫn còn song rủi ro hiện tại thấp hơn rất nhiều so với cơ hội tăng giá của thị trường. Do đó, chuyên gia chứng khoán kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm lấy lại được mốc 1.200 điểm trong một vài phiên tới.

Bên cạnh đó, lợi suất cổ phiếu hiện tại xấp xỉ 9%/ năm trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm 5,5-6%/ năm. NĐT đang thấy thị trường khá xấu và lo sợ, chạy theo hiệu ứng đám đông, song sẽ sớm quay trở lại, nhờ vậy dòng tiền sẽ sớm được cải thiện. Chỉ khi thị trường bị định giá cao, nhà đầu tư mới bỏ chạy thời gian dài và quay lại khi thị trường chiết khấu vừa đủ. Còn trong bối cảnh hiện nay, thị trường đã chiết khấu tương đối, nhà đầu tư bán cổ phiếu gần như sẽ trở lại thị trường ngay lập tức.

VN-Index mất mốc 1.200 điểm, khối ngoại bán ròng hơn 700 tỷ đồng

Áp lực bán tháo trên diện rộng kéo chỉ số VN-Index mất gần 50 điểm, về mức giá thấp nhất trong gần 4 tháng. Khối ...

Nhận định chứng khoán phiên 6/8: Đà giảm còn tiếp diễn?

Theo chứng khoán BSC, trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể theo quán tính giảm tiếp xuống vùng 1.160 – 1.165 điểm, ...

Chứng khoán đầu tuần đỏ lửa, thanh khoản suýt soát tỷ đô

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới bằng một phiên giao dịch đầy tiêu cực, nhà đầu tư cũng tích cực xuống tiền nhưng ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán