Chiến sự Israel-Hamas ngày 21/10/2023: Quân đội Israel sẽ gặp tác chiến phi đối xứng trong đô thị tại Dải Gaza Chiến sự Israel-Hamas ngày 22/10/2023: IDF đã sẵn sàng tiến vào Dải Gaza |
Israel đáp trả hành động đó của Hamas bằng việc tiến hành các cuộc không kích và phong tỏa toàn bộ Dải Gaza.
Đây là cuộc tấn công chưa có tiền lệ trong lịch sử Hamas và thời gian tới có thể sẽ là bước ngoặt đối với tương lai của Israel, Palestine và khu vực rộng lớn hơn.
Khủng hoảng lần này khác với những lần trước như thế nào?
Trước đây, Hamas từng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa, xâm nhập và bắt cóc, nhưng cuộc tấn công lần này đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn tất cả các cuộc tấn công của Hamas kể từ năm 2007 cộng lại.
Cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza |
Hơn 3.200 quả tên lửa mà Hamas đã phóng đi vào ngày 7-8/10 theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã vượt quá tổng số tên lửa được phóng trong bất kỳ năm nào khác kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, ngoại trừ năm 2014 và năm 2021. Số lượng tên lửa được phóng đi trong các đợt tấn công ban đầu hôm 7/10 vẫn lớn hơn nhiều so với số lượng tên lửa được phóng đi trong giai đoạn mở đầu của các cuộc xung đột năm 2014 và 2021.
Đây là cuộc tấn công với quy mô chưa từng có. Ngày 7/10, hàng trăm tay súng Hamas đã xâm nhập Israel từ nhiều hướng. Họ đã tiến vào khoảng 20 thị trấn, nắm quyền kiểm soát một số khu vực. IDF phải mất hơn 2 ngày chiến đấu mới giành lại được quyền kiểm soát đối với những khu định cư gần Dải Gaza.
Hamas cũng từng bắt giữ con tin, nhưng chưa bao giờ bắt giữ nhiều con tin như trong cuộc tấn công lần này - con số này vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng ước tính lên tới hàng trăm người. Israel hết sức nhạy cảm với việc bắt giữ con tin và điều này được thể hiện qua việc họ quyết định thả hơn 1.000 tù nhân người Palestine để đổi lấy binh sĩ Gilad Shalit thuộc IDF vào năm 2014, cũng như việc các cuộc đàm phán về 2 dân thường Israel và thi thể của 2 binh sĩ IDF do Hamas nắm giữ vẫn chưa đi đến kết luận trong gần một thập kỷ. Các con tin bị bắt cũng bao gồm một số lượng không xác định công dân nước ngoài, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Phản ứng của Israel cũng đáng kể và có khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên chiến và phát động chiến dịch “Kiếm sắt”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel kêu gọi “bao vây toàn diện” Dải Gaza, còn IDF tiến hành một đợt không kích chưa từng có và huy động 300.000 quân dự bị.
Vì sao Israel không hay biết về cuộc tấn công?
Việc cơ quan tình báo Israel vẫn hay nói về năng lực của mình nhưng lại không chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công của Hamas sẽ là chủ đề tranh luận trong một thời gian dài. Thất bại trong việc thu thập thông tin thường xảy ra do các đơn vị không thu thập đủ thông tin cần thiết để đưa ra lời cảnh báo cho các nhà quyết sách hoặc do các nhà phân tích bị cuốn vào các giả định và quy trình phân tích sai lầm. Hai nguyên nhân này có thể đã dẫn đến thất bại vừa rồi của Israel.
Thứ nhất, Israel có thể đã đánh giá thấp khả năng học hỏi và tiến hành bảo mật hoạt động của Hamas. Bộ máy an ninh của Israel có năng lực đáng gờm nhưng không toàn diện. Việc Hamas có khả năng lập kế hoạch cho cuộc tấn công với sự tham gia của hàng nghìn chiến binh cho thấy tổ chức này có thể xác định và thực hiện các biện pháp đối phó với hệ thống máy bay không người lái, đội ngũ cung cấp thông tin và hệ thống giám sát điện tử của Israel. Tuy nhiên, theo thông tin của một quan chức tình báo Ai Cập, cơ quan tình báo nước này đã phát hiện và thông báo cho Israel rằng chuyện lớn sắp xảy ra. Nếu đúng như vậy, thì điều này có nghĩa là nỗ lực phản gián thành công của Hamas không phải là yếu tố quyết định thất bại của Israel.
Quân đội Israel |
Thứ hai, quan chức tình báo Israel cũng có thể đã nhầm tưởng về tình trạng của Hamas trong tương lai sẽ giống như trong giai đoạn gần đây. Trong các cuộc khủng hoảng khác nhau kể từ năm 2014, Israel dường như vẫn duy trì được khả năng răn đe và điều này được thể hiện qua việc Hamas và Hezbollah liên tục tìm cách giảm leo thang thông qua đàm phán. Các hệ thống phòng thủ của Israel như “Vòm sắt” dường như cũng bảo vệ Israel trước các chiến dịch của Hamas, trong khi “hàng rào thông minh” khiến việc xâm nhập từ Dải Gaza trở nên khó khăn. Hamas gần đây cũng được coi là đang từng bước điều chỉnh lập trường của mình, tìm kiếm tính hợp pháp thông qua phát triển kinh tế.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với xung đột Israel - Hamas?
Israel không có lựa chọn tốt ở Dải Gaza. Các cuộc không kích đang diễn ra, cho dù lớn đến đâu, có lẽ cũng sẽ không được xem là động thái thiết lập lại năng lực răn đe hoặc cản trở Hamas giành được thắng lợi lớn. Việc phong tỏa toàn bộ cũng sẽ không đủ, cho dù tác động của động thái này đối với người Palestine sẽ rất khủng khiếp. Theo Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, nước này có kế hoạch làm tiêu tan năng lực khủng bố của Hamas, vốn không thể được tạo dựng bằng phong tỏa hay không kích.
Điều này khiến cho việc can thiệp quy mô lớn trên mặt đất là phương án hành động khả thi nhất, cho dù Israel đã nhiều lần tìm cách tránh những cuộc tấn công như vậy trong quá khứ. Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây khó khăn cho quân đội Israel và gây thiệt hại nặng nề cho dân thường Palestine. Dải Gaza là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất thế giới, và các cuộc tấn công vào đô thị là một trong những hoạt động khó khăn và nguy hiểm nhất đối với quân đội.
Có thể hình dung ra điều này qua cuộc tấn công lớn trên mặt đất gần đây nhất của Israel vào Dải Gaza, chiến dịch “Protective Edge” năm 2014, kéo dài khoảng 2 tuần và chỉ xâm nhập vài km vào khu vực này. Cuộc giao tranh trong 2 tuần đó đã khiến 66 binh sĩ Israel, 6 dân thường Israel và hơn 2.000 người Palestine (chủ yếu là dân thường, mà 1/4 trong số đó là trẻ em) thiệt mạng.
Ngoài Dải Gaza, Israel cũng sẽ phải tìm cách đối phó với mối đe dọa leo thang ở 2 khu vực then chốt. Một là khu vực biên giới phía Bắc với Lebanon và Syria, nơi đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng lớn trong năm nay. Hezbollah dường như đang thử thách giới hạn của Israel trong khu vực này khi bắn tên lửa và đạn pháo vào Cao nguyên Golan. IDF cũng cho biết, họ đã tiêu diệt một số lượng không xác định kẻ xâm nhập từ Lebanon và bắt đầu tiến hành không kích ở miền Nam Lebanon.
Hai là khu vực Bờ Tây, nơi Hamas đã kêu gọi phiến quân cầm vũ khí. Khu vực này đã sớm rơi vào tình trạng bất ổn. Trước cuộc tấn công hôm 7/10, bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng đến mức các nhà phân tích gọi là “cơn địa chấn”. Hoạt động quân sự trước đây của Israel ở Dải Gaza đã gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Bờ Tây và hầu như không có lý do gì để tin rằng các hoạt động hiện tại của Israel sẽ khác. Israel đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn trên mặt đất ở Bờ Tây trong năm nay, một cuộc đột kích quy mô lớn vào trại tị nạn Jenin, và có thể cảm thấy buộc phải can thiệp lần nữa nếu Chính quyền Palestine không thể hạn chế tình trạng bất ổn.
Nếu Israel dùng vũ lực tiến vào Dải Gaza, nước này sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng - không động đến Hamas và để lực lượng đang suy yếu này tiếp tục nắm quyền kiểm soát hay lật đổ chính quyền của khu vực này. Cả hai lựa chọn trên đều không hấp dẫn. Nếu Hamas “sống sót”, tổ chức này sẽ tuyên bố thắng lợi chiến lược trước Israel. Nếu Hamas bị lật đổ, thì sẽ không có lực lượng nào thay thế ở Dải Gaza. Nếu không có lựa chọn sẵn có để thay thế Hamas, Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm quyền kiểm soát trực tiếp Dải Gaza.
Bình Nguyên (tổng hợp)