Khi nhiệt độ Trái Đất tăng vọt trong thập kỷ qua, kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan cùng những mất mát và thiệt hại liên quan, cuộc tranh luận về việc ai phải chịu trách nhiệm đã trở nên gay gắt hơn.
LNG là một trong những giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: Bloomberg/TTXVN |
Các quốc gia ở Nam toàn cầu hiểu rõ rằng phần lớn ô nhiễm khí hậu cho đến nay là do các nước công nghiệp phát triển thuộc Bắc toàn cầu gây ra và họ phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Thêm vào đó, các nước giàu còn đang “xát thêm muối vào vết thương” khi tích lũy của cải bằng cách khai thác các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên ở phía Nam, nhưng dường như họ lại muốn cấm các nước đang phát triển tiếp cận những nguồn này.
Làm thế nào để có thể thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai mà không gây nguy hiểm thêm cho khí hậu là câu hỏi được các nền kinh tế châu Á đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn mong muốn đảm bảo sự phát triển kinh tế của mình không bị hạn chế bởi các quyết định chính sách được đưa ra ở nơi khác. Đó là mong muốn có cơ sở, bởi theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, châu Á đang trên đà đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Một số nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong 7 năm tới. Các nước châu Á sẽ cần năng lượng để thúc đẩy sự phát triển này. Giữa bối cảnh than đá phải đối mặt với sự suy giảm không thể tránh khỏi, nhiều nền kinh tế đang chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu chuyển đổi được lựa chọn.
Nhu cầu về LNG đã chứng kiến sự tăng trưởng lớn trên toàn khu vực châu Á. Nhật Bản năm ngoái đã trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đạt 98,3 tỷ m3. Các dự báo cho thấy Đông Nam Á sẽ tăng gấp bốn lần lượng sử dụng loại nhiên liệu này trong vòng 10 năm tới. Điều này sẽ nâng tỷ trọng tiêu thụ LNG trên toàn cầu của khu vực này lên 12%.
Mặc dù LNG có thể “sạch” hơn than nhưng đây vẫn là một trong những nguồn năng lượng phát thải nhiều nên chính phủ các nước sẽ cần phải cân nhắc giữa cơ hội kinh tế và quyền của công dân được hưởng khí hậu trong lành và an toàn.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vừa diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố kết quả của đợt "kiểm kê toàn cầu" đầu tiên về cách các quốc gia đang thực hiện cam kết về khí hậu được đưa ra theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Phân tích của nhóm nghiên cứu Climate Action Tracker cho thấy không một quốc gia nào đi đúng hướng với những cam kết của mình trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 C. Nhìn chung, thế giới đang hướng tới mức tăng nhiệt độ đáng quan ngại 3 độ C trong thế kỷ này.
Ngày 10/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo những cam kết đưa ra tại COP28 đến thời điểm này sẽ chỉ giúp giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng cần cắt giảm vào năm 2030 để ngăn chặn Trái Đất ấm lên. Trong một báo cáo, IEA nhận định: “Các cam kết này là bước tiến trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng, nhưng chưa đủ mạnh để giúp thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu, đặc biệt là mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.
Thực tế này củng cố động lực của nhiều nhà hoạch định chính sách nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Nhưng một số người cho rằng các nước nên tập trung vào điều chỉnh việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong việc sử dụng các công nghệ để thu giữ và lưu trữ CO2 thải ra.
Dù bằng cách nào, có một điều chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, việc phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch mà không có một số biện pháp hạn chế sẽ không còn khả thi về mặt chính trị hoặc thương mại. Điều này khả thi hơn dự kiến nhờ vào một cơ chế đã tồn tại hơn 25 năm: thị trường carbon.
Được thành lập lần đầu tiên như một phần của Nghị định thư Kyoto năm 1997, thị trường carbon cho phép các công ty bù đắp lượng khí thải carbon mà họ không thể loại bỏ trực tiếp khỏi chuỗi giá trị của mình. Bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ bồi thường cho hành tinh về lượng carbon mà họ tiếp tục thải ra trong khi vẫn nỗ lực khử carbon trong các hoạt động. Khoản bồi thường này, dưới hình thức mua tín dụng carbon, được hướng tới các dự án, bao gồm hàng trăm dự án trên khắp châu Á, đã được chứng minh là có khả năng loại bỏ hoặc ngăn chặn lượng khí thải carbon.
Với sự gia tăng nhu cầu LNG như dự báo và tạo áp lực nhằm tăng cường hành động và đạt được những tham vọng về khí hậu, nhu cầu bù đắp khí thải cho LNG có thể sẽ tăng lên, bởi nếu loại nhiên liệu này được tiếp thị một cách đáng tin cậy như một loại nhiên liệu thay thế thì tác động của nó đến khí hậu phải được giảm bớt.
Mặc dù việc mua tín dụng carbon dễ dàng và hiệu quả của chúng trong việc giúp các lĩnh vực khó giảm thiểu tác động đến khí hậu, là khá rõ ràng, nhưng những tuyên bố rằng chúng có tác động hạn chế trong việc giảm lượng khí thải carbon gần đây đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông. Hiệu quả của tín dụng carbon đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.
Tín dụng carbon sẽ giúp các quốc gia đang phát triển ở châu Á và khu vực Nam toàn cầu nhận được nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ và phục hồi rừng cũng như giảm lượng rác thải đưa vào bãi chôn lấp. Việc bù đắp lượng khí thải của mỗi chuyến hàng LNG sẽ là một bước tích cực trong quá trình chuyển đổi của các nền kinh tế châu Á hướng tới một tương lai thịnh vượng, bền vững và sẽ giảm bớt xung đột giữa phát triển kinh tế và giữ an toàn cho khí hậu.
Để thực hiện được điều này sẽ đòi hỏi một nguồn lực không kém phần quan trọng, đó là sự đổi mới, sáng tạo và tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh châu Á.
Theo bnews.vn