Điều kiện hưởng lương hưu có thể sẽ thay đổi từ 1/7/2025

07/11/2023 - 23:49
(Bankviet.com) Điều 64 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động hưởng lương hưu khi có đủ 2 điều kiện.

Cụ thể, Theo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được trình lên Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 11/2023, nếu được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Điều kiện hưởng lương hưu có thể sẽ thay đổi từ 1/7/2025
Hinh minh họa.

Theo đó, Điều 64 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, điều này gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

Chính vì vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Được biết, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Lương hưu theo thời gian tham gia BHXH được tính ra sao?

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được xác định theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và các quy định, hướng dẫn liên quan,

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như sau:

Người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng của toàn bộ thời gian.

Ngoài ra, người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Bên cạnh đó, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể hưởng lương hưu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương ...

Lao động nữ khi đóng BHXH đủ 20 năm rồi dừng lại, được hưởng lương hưu ra sao?

Lao động nữ khi đóng BHXH đủ 20 năm rồi dừng lại, khi về hưu có được hưởng lương hưu trên mức đóng hay bắt ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán