Liên danh trên được chỉ định thực hiện gói thầu với giá 1.411 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 915 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. |
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai đã ký hợp đồng với Liên danh Công ty CP Lizen - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Xây lắp 368 để thực hiện Gói thầu số 21 Thi công xây dựng đoạn từ Km6+200 - Km16+000 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Liên danh trên được chỉ định thực hiện gói thầu với giá 1.411 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 915 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Hiện liên danh nhà thầu đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để triển khai thi công (dự kiến vào cuối tháng 9/2023).
Khó khăn hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng còn dang dở, nguồn cung đất đắp, cát, đá xây dựng khan hiếm. Nhà thầu mong địa phương sớm tháo gỡ khó khăn để triển khai công trình đúng kế hoạch.
Điểm qua nguồn lực của liên danh 4 nhà thầu, đầu tiên phải kể đến Công ty CP Lizen, một doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán LCG.
Hết quý II/2023, Lizen có tổng tài sản đạt 5.153 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn ở mức 2.479 tỷ đồng, chiếm hơn 48% tổng nguồn vốn. Về năng lực, Lizen từng trúng 2 gói thầu lớn thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc Nam có giá trị lần lượt 5.098 tỷ đồng (gói thầu XL02 dự án Vũng Áng – Bùng) và 4.700 tỷ đồng (gói thầu XL01 dự án Vân Phong - Nha Trang).
Còn về kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, Lizen ghi nhận doanh thu thuần đạt 661 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 75% xuống còn 41 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Lizen chỉ mới hoàn thành hơn 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Dẫu vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LCG vừa chứng kiến đợt tăng khá ấn tượng, nhờ câu chuyện hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, cũng như việc trúng các gói thầu giá trị.
Tận dụng sóng tăng, lãnh đạo và người có liên quan của Lizen đã đồng loạt bán ra lượng lớn cổ phiếu LCG, chẳng hạn như bà Quách Thị Mai Anh, vợ ông Dương Kim Ngọc, thành viên HĐQT; bà Dương Phương Mai, con ông Dương Kim Ngọc; ông Nguyễn Văn Nghĩa, thành viên HĐQT...
Cái tên rất đáng chú ý khác xuất hiện trong gói thầu chỉ định trên là Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1), "ông trùm" ngành xây dựng với hơn 44 tuổi nghề. Không chỉ có hồ sơ năng lực "khủng", quy mô tài sản của CC1 cũng đáng ngưỡng mộ với hơn 14.415 tỷ đồng, trong đó hình thành từ 10.363 tỷ đồng nợ phải trả.
CC1 mới đây còn hiện diện trong liên danh Vietur - nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, gây xôn xao dư luận.
Song, kết quả kinh doanh của CC1 giai đoạn gần đây tỏ rõ sự sa sút, khi doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 22% còn 1.782 tỷ đồng; và lợi nhuận sau thuế giảm một nửa còn 19 tỷ đồng. Nửa cuối năm, CC1 sẽ cần cú hích lớn để có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà ĐHĐCĐ đã giao phó.
Tiếp đến là Công ty CP Hải Đăng, một nhà thầu khá kín tiếng được thành lập vào tháng 11/2008, có trụ sở tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Tính đến tháng 6/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ 700 tỷ đồng.
Theo lời tự giới thiệu, Công ty Hải Đăng đã từng tham gia xây dựng nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, chẳng hạn như: Khách sạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Trụ sở Ngân hàng TMCP BIDV Tây Ninh; Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh; Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh; Nhà thi đấu thể thao tỉnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn thi công một số tuyến đường trọng điểm của tỉnh, bao gồm: đường ĐT 794 (dài 17km), đường ĐT 782-784 (dài 10km), đường ĐT 788 (dài 21km), đường Điện Biên Phủ (dài 4,3km)...
Theo tìm hiểu, việc thi công hàng loạt các công trình trọng điểm của Tây Ninh giúp Hải Đăng mang về bình quân hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ví dụ, năm 2018 – 2019, doanh thu của Hải Đăng đạt 1.400 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại rất thấp, lần lượt đạt 12,2 tỷ đồng và 12 tỷ đồng tương ứng mỗi năm. Điều này thể hiện, biên lợi nhuận chưa đầy 1%, tức là kiếm cả 100 đồng mới có lãi 1 đồng, cụ thể là 0,87% và 0,84%.
Trong giai đoạn trên, quy mô tài sản của Hải Đăng cũng tăng trưởng khá mạnh, đều đặn ở mức 2 chữ số. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hải Đăng đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 75% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 224,3 tỷ đồng.
Thành viên cuối cùng là Công ty CP Xây lắp 368. Đây là doanh nghiệp ra đời ngày 30/9/2013. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quang Huy.
Nhà thầu trên có địa chỉ tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Không có nhiều thông tin công khai của Xây lắp 368 xuất hiện trên truyền thông, chỉ biết theo Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp đã tham gia tối thiểu 20 gói thầu xây lắp, trong đó trúng 14 gói thầu và trượt 5 gói thầu, còn 1 gói đang chờ kết quả. Tổng giá trị các hợp đồng là gần 9.200 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu có giá trị lớn nhất là gói thầu XL1: Thi công xây dựng đoạn Km675+400 - Km708+350 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) do Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư/bên mời thầu với giá trúng thầu là 3.352 tỷ đồng (giá gói thầu là 3.361 tỷ đồng).
Gói thầu này Công ty CP Xây lắp 368 liên danh cùng Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn tham dự và trúng thầu.
Cổ phiếu LCG "sáng giá" nhờ bức tranh triển vọng đầu tư công | |
Quý III, Lizen (LCG) thoát lỗ 'ngoạn mục' nhờ bán vốn công ty thành viên | |
Lizen (LCG) dự kiến chi hơn 130 tỷ đồng trả cổ tức 2022 |
Tiểu Vy