Tiếp tục đà bán tháo phiên hôm qua, thị trường hôm nay lao dốc ngay từ khi mở cửa. Áp lực bán không hề thuyên giảm mà càng càng tăng mạnh hơn trong phiên chiều đã nhanh chóng khiến VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Với hàng trăm mã giảm điểm, trong đó có tới 199 mã giảm sàn trên sàn HOSE, VN-Index bốc hơi 56,07 điểm và rơi xuống sát mốc 1.180 điểm, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.
Với hai phiên liên tiếp giảm sâu hơn 50 điểm, VN-Index ghi nhận mất tới hơn 146 điểm, trương đương 11%, trong tuần này. So với mức đỉnh 1.530 điểm lập được vào phiên 4/4/2022, VN-Index đã rơi gần 350 điểm. Cổ phiếu tại tất cả các nhóm ngành, bất chấp sức khoẻ tài chính, kết quả lợi nhuận hay triển vọng kinh doanh cũng đều bị giảm.
Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, thanh khoản đã được cải thiện so với hôm qua, trong đó đóng góp lớn nhất là HPG với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 43 triệu đơn vị.
Một điểm sáng nữa trong phiên hôm nay là khối ngoại đã mua ròng hơn 21,95 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 567,68 tỷ đồng, trong khi phiên trước bán ròng 6,63 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 97,93 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 37 mã tăng và 436 mã giảm (199 mã giảm sàn), VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%), xuống 1.182,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 817 triệu đơn vị, giá trị 20.365,8 tỷ đồng, tăng 46,44% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua.
Nhóm VN30 có duy nhất VJC tăng nhẹ 0,9%, cùng SSI đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong biển lửa, trong đó, có tới 1/4 nằm sàn, gồm BVH, GVR, KDH, MSN, POW, TCB và STB.
Sàn HNX có 45 mã tăng và 201 mã giảm (64 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%), xuống 302,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,54 triệu đơn vị, giá trị 1.911,62 tỷ đồng.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,82 điểm (-2,93%), xuống 93,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,9 triệu đơn vị, giá trị 778,42 tỷ đồng.
Trao đổi với truyền thông ngày 12/5, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Theo đó, lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Về phía các CTCK, với thị trường biến động mạnh như hiện nay, CTCK MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng khi biến động của thị trường đang tăng lên, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn.
CTCK VCBS tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động rà soát danh mục và tăng trọng tiền mặt lên mức đủ an toàn cũng như hạn chế bắt đáy trong giai đoạn biến động mạnh như hiện tại.
CTCK VNDIRECT cũng đưa ra thông điệp tương tự: “Trong ngắn hạn, nhà đầu tư hạn chế giải ngân vào giai đoạn thị trường đang biến động mạnh, ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu của tài khoản về ngưỡng an toàn và tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường”.