Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tháng tăng trưởng tốt nhất kể từ 11/2021 nhờ vào việc thị trường chứng khoán Mỹ duy trì xu hướng đi lên trong 2 tuần đầu tháng. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, VN-Index đứng ở mức 1.280,51 điểm, tương ứng tăng 74,18 điểm (6,15%) so với cuối tháng 7.
Thế nhưng VN-Index vẫn đang giảm 14,5% so cuối năm trước. Phần lớn các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đều ghi nhận tỷ suất sinh lời âm, thậm chí có quỹ KINDEX VTNM30 FUT LEV ETF H (quỹ ETF sử dụng chỉ số hợp đồng tương lai đầu tiên của Việt Nam VN30 Futures) ghi nhận tỷ suất thấp nhất với mức âm 40,9%.
Tuy nhiên, vẫn có một số quỹ hoạt động tốt hơn thị trường, thậm chí còn có 2 quỹ tăng trưởng dương, đó là quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF) với hiệu suất 2,6% và quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital (VinaCapital-VIBF) với hiệu suất 1,7%. Xét về quy mô, 2 quỹ này chưa đạt mốc nghìn tỷ đồng khi giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm cuối tháng 8 ở mức lần lượt là 293,3 tỷ đồng và 710 tỷ đồng.
VCBF-MGF là quỹ mở được ra mắt vào 2/12 năm ngoái, thuộc quản lý của công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) - công ty liên doanh giữa Vietcombank và Tập đoàn đầu tư đa quốc gia Franklin Templeton Investments (FTI). Chứng chỉ quỹ VCBF-MGF được phân phối bởi VCBF và FMARKET – công ty trực thuộc CTCP Fincorp được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phân phối quỹ mở vào năm 2018. Ngân hàng giám sát VCBF-MGF là Standard Chartered Bank.
Theo thông tin VCBF-MGF công bố, tại thời điểm cuối tháng 7, 91,58% danh mục quỹ là cổ phiếu, còn lại là hợp đồng tiền gửi (6,45%); tiền và các loại tài sản khác (1,97%). Danh mục quỹ phân bố nhiều nhất vào mảng tài chính với 33,4%, theo sau là các ngành khác (18,5%); hàng hóa, dịch vụ công nghiệp (13,7%); và hàng gia dụng không thiết yếu (12,5%).
Top 5 cổ phiếu có giá trị cao nhất bao gồm STB (11,9%), CTD (7,2%), VTP (5,4%), QNS (4,7%) và NLG (4,2%). Trong danh sách này, khi xét về giá từ đầu năm chỉ có cổ phiếu QNS tăng trưởng với mức 5,7%, còn lại đều ghi nhận thị giá giảm, CTD giảm 34%, NLG giảm 34%, STB giảm 21,3%, và VTP giảm 12,2%.
VinaCapital-VIBF là quỹ mở được quản lý bởi VinaCapital, thành lập ngày 2/7/2019 với tần suất đầu tư hàng ngày. Quỹ đầu tư cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu với chiến lược phân bổ 50:50. Như vậy, quỹ này có mức rủi ro trung bình, phù hợp với nhà đầu tư mong muốn hưởng lợi từ tiềm năng tăng giá cổ phiếu và giảm thiểu rủi ro trước biến động thị trường nhờ danh mục trái phiếu.
Tại ngày cuối tháng 8, ngoài 3,84% là tiền, danh mục VinaCapital-VIBF phân bổ 48,52% vào cổ phiếu và 47,64% vào chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và tiền gửi ngân hàng. Khi xét theo ngành, tỷ trọng nhóm tài chính chiếm phần lớn với 12,6%, xêp sau là tiêu dùng không thiết yếu (8,4%), vật liệu (8%),… Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn bao gồm FPT (6,7%), MWG (5,6%), MBB (4,9%). Xét về giá, từ đầu năm đến cuối tháng 8, cổ phiếu FPT tăng 14,1%, MWG tăng 9,6% còn MBB giảm 1,4%.
VinaCapital-VIBF đánh giá có một số trở ngại cho thị trường trong ngắn hạn sau khi VN-Index đã tăng 11,4% từ đáy trong tháng 7 đến hết tháng 8. Chính sách thắt chặt của Fed có thể gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá USD/VND. Hạn mức tín dụng thấp hơn kỳ vọng sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, dù không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đơn vị cho rằng tình hình ảm đạm sẽ không kéo dài lâu khi nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm nay. Các chuyên gia kinh tế đang nâng dự báo GDP sau khi nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong thời gian qua. Ở mức định giá hiện tại với P/E 11,5 lần cho năm 2022, dự báo tăng trưởng EPS đạt 27% trong năm 2022 và 15% trong năm 2023, theo thống kê của Bloomberg, đơn vị cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mang lại giá trị hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.
Nguyên Nam