Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?

06/07/2023 - 05:04
(Bankviet.com) Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định rõ mức vốn điều lệ tối thiểu và vốn được cấp tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng lên tới 73% Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ: Chuyên gia nói gì? Sau nhiều lùm xùm, doanh thu phí bảo hiểm lần đầu suy giảm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Nghị định quy định rõ về mức vốn điều lệ tối thiểu với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Cụ thể, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm: Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe là 750 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí là 1.000 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí là 1.300 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh là 450 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh là 500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng Việt Nam.

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm gồm: Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 500 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 900 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 1.400 tỷ đồng.

Về vốn được cấp tối thiểu, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định, vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cụ thể: Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh ại) và bảo hiểm sức khỏe là 250 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh là 300 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh là 400 tỷ đồng.

Vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài cụ thể: Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 450 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 700 tỷ đồng.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương