Tiếp tục làn sóng ‘khất’ nợ trái phiếu |
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới đáng chú ý như cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất, đa dạng hoá công cụ thanh toán, thanh toán trước hạn,...
Một nội dung quan trọng của dự thảo là đề xuất quy định thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm; thanh toán trái phiếu bằng bất động sản hoặc cổ phần,... là những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất. Ảnh minh hoạ |
Theo đó, Bộ tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc: tuân thủ quy định pháp luật; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Nội dung đáng chú ý khác là dự thảo mới quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn, tối đa 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư này.
Mặt khác, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thị hành với một số quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65/2022.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.
Quy định mới còn lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể, theo Nghị định 65/2022, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) đề xuất, lùi tới đầu năm 2024.
Đồng thời dự thảo đề xuất ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Từ 1/1/2024 sẽ áo dụng quy định tại Nghị định 65 là 30 ngày.
Thảo Nguyên