Tăng trưởng ấn tượng
Kết thúc năm 2021, kinh tế TP. Đà Nẵng “về đích” với tổng sản phẩm xã hội (GRDP) thành phố tăng 0,18% so với năm 2020. Dù không đạt mục tiêu, song đây đã là kết quả tích cực khi nhìn lại năm 2021 của thành phố gắn liền với dịch Covid – 19.
Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế của thành phố không đạt mục tiêu, thậm chí tăng trưởng âm. Trong bức tranh kinh tế năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng nhất khi thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ 2 con số, vượt xa kế hoạch; duy trì đà xuất siêu, thặng dư thương mại đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua kể từ năm 2012.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt hơn 3,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,81 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2020, vượt xa so với kế hoạch đặt ra từ 6 – 7%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.397 triệu USD, tăng 12,4% (kế hoạch tăng 5-6%).
Cán cân thương mại của thành phố duy trì đà xuất siêu với thặng dư thương mại đạt 413 triệu USD, mức xuất siêu cao nhất trong vòng 10 năm qua kể từ năm 2012.
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu đã trở thành trụ cột chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố.
Bà Mai Thị Ý Nhi – Đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Foods (thôn Đại La, xã Hòa Sơn, Hòa Vang) cho biết trước khi có dịch Covid – 19, doanh thu chủ yếu của đơn vị dựa vào du lịch và một phần xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây, xuất khẩu trở thành kênh chủ lực để duy trì hoạt động của công ty.
Còn tại Công ty Hương Quế (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu), người lao động đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng để kịp xuất khẩu trong năm 2021. “Doanh thu năm 2021 của Hương Quế chỉ tương đương với năm 2020. Xuất khẩu tăng mạnh mẽ bù đắp cho mảng nội địa bị giảm mạnh do dịch bệnh. EVFTA là một “cứu cánh” cho doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại”, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty nhận định.
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, Cẩm Lệ) cũng đã kết thúc năm với doanh thu hơn 80 tỷ đồng, vượt kế mục tiêu đặt ra cho năm hơn 10%. Ông Huỳnh Trinh – Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, hơn 90% doanh thu của công ty đến từ hoạt động xuất khẩu, điểm đến là các thị trường khó tính như EU.
Là một trong những đơn vị xuất khẩu lớn nhất tại TP. Đà Nẵng, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP Cao su Đà Nẵng vượt ngưỡng đạt 110 triệu USD. “Tỷ trọng xuất khấu chiếm hơn 50% tổng doanh thu của công ty trong năm qua. Sản phẩm chúng tôi đã có mặt ở thị trường hơn 35 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Brazin….”, ông Hà Phước Lộc – Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay.
Tận dụng tốt các FTAs
Năm 2022, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP tăng 6 – 7%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9 – 10% so với năm 2021. |
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu là một trong những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid – 19 như chi phí nguyên liệu tăng, gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng….
Để vượt qua những thách thức đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng đã tận dụng tốt các cơ hội từ FTAs mà Việt Nam tham gia và đã có hiệu lực như EVFTA, CTPPP, VJEPA…
Theo ông Hà Phước Lộc, với việc tiếp tục hội nhập sâu, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) được ký kết, tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. “Thực tế, giai đoạn qua, khi toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. thì công tác xuất khẩu đã trở thành bệ đỡ cho kinh tế”, ông Lộc đánh giá và cho rằng, các FTAs cũng chính là cơ hội cho việc cải cách hành chính, cải cách, chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cải thiện công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện sức cạnh tranh thương mại của Việt Nam nói chung, đặc biệt là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu.
Hiệp định đang mang lại hiệu quả rõ nét nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng đó là EVFTA. Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TS&TM Thuận Phước cho biết tận dụng EVFTA đã giúp đơn vị tăng trưởng tốt cả về doanh thu và sản lượng với mức tăng hơn 20%.
Cũng nhờ tận dụng tốt EVFTA và chuẩn hóa sản phẩm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng ở trong tình trạng “quá tải” đơn hàng.
Trong những ngày này, hơn 250 lao động của công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng đang liên tục tăng ca, máy móc hoạt động với công suất lớn nhất để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác tại EU. Ông Trinh cho biết trong thời gian dịch bệnh đơn vị bị gián đoạn sản xuất trong khi đơn hàng nhiều, nên ngay sau dịch công ty đã tuyển thêm hơn 30 lao động, đầu tư máy móc để tăng công suất bù đơn hàng cho khách hàng.
Tận dụng VJEPA (hiệp định thương mại Việt Nam – Nhật Bản), các đơn hàng của công ty Mỹ Phương Foods đang ghi nhận tăng trưởng. “Trước đây chúng tôi chỉ đi mỗi tháng 2 container hàng ở 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Thì bây giờ số hàng đi mỗi tháng đã lên đến 3 lượng container, tập trung ở thị trường Nhật Bản”, bà Ý Nhi chia sẻ và cho biết thêm đơn vị cũng đang có kế hoạch tiến vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc) để tăng kim ngạch xuất khẩu cho năm 2022”, bà Nhi cho hay.
Ngoài ra, trước sức ép chi phí chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển tăng mạnh, các doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với đối tác trên cơ sở cả 2 cùng có lợi. "Chúng tôi chủ động làm việc với khách hàng về vấn đề tăng giá sản phẩm theo hướng giá tăng nhẹ. Doanh nghiệp chịu bớt một phần lợi nhuận và đối tác cũng như vậy để đảm bảo hài hòa cả hai bên", ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.
Vũ Lê
Theo Báo Công thương